Tin tức sự kiện

Tin Hudland

Share |

Chờ sổ đỏ mới - ai phải chịu trách nhiệm?

Cập nhật 10-09-2009,12:00 AM
Sớm nhất cũng phải đến 1-10 mới có văn bản hướng dẫn cho việc gộp sổ đỏ và sổ hồng.

Gần một tháng nay, cả cơ quan thừa hành lẫn người dân đều trông chờ nghị định hướng dẫn cấp sổ đỏ mới. Sự chậm trễ này cho thấy hiện trạng công tác lập pháp, lập quy của Việt Nam có nhiều vấn đề cần được nhìn nhận thẳng thắn để cải thiện.

Quyền lợi của người dân

Quyền lợi đó không đơn giản là nó đã được thừa nhận mà quan trọng hơn là nó có được bảo đảm thực hiện trên thực tế hay không. Ở góc nhìn này, có thể thấy quyền lợi của người sử dụng đất chưa thật sự được quan tâm và coi trọng bởi tiến trình xây dựng pháp luật chậm chạp và trễ nãi.

Thực tế, đây không phải là lần đầu Chính phủ “nợ” văn bản quy định chi tiết sau khi luật có hiệu lực. Tuy nhiên, lần này dư luận trông chờ hơn là vì tầm quan trọng của văn bản này - nghị định quy định chi tiết để thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo quy định, người sử dụng đất chỉ có thể thực hiện được các quyền của mình khi có sổ đỏ. Với tầm quan trọng của cuốn sổ đỏ mới, người dân càng trở nên khổ sở hơn vì không những không có cơ sở để thực hiện quyền của mình đối với mảnh đất cũng như nhà, tài sản và các công trình khác trên đất mà còn mất cơ hội mua bán, chuyển nhượng do giao dịch bị ách tắc.

Sự mất mát đó nếu tính theo số lượng và giá trị của các giao dịch cần được thực hiện sẽ là rất lớn. Số lượng các hồ sơ được nộp trong một tháng trước ngày 1-8-2009 bị ứ đọng phản ánh nhu cầu và số lượng các giao dịch có thể được thực hiện.

Chỉ riêng số hồ sơ đang nằm chờ tại các quận, huyện của TPHCM cũng đủ cho chúng ta mường tượng về những thiệt hại của người dân trong tình cảnh phải chờ đợi như thế này.

Với chức năng là cơ quan hành pháp, Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua. Ban hành văn bản hướng dẫn không nằm ngoài mục đích đấy

Sau nhiều lần thảo luận căng thẳng, cuối cùng Quốc hội đã “quyết” phương án một sổ đỏ thống nhất, nhưng Chính phủ lại thiếu kịp thời trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Phải chăng, Chính phủ bị động với quá trình ban bành văn bản hướng dẫn việc cấp sổ đỏ mới này? Thực tế là không vì trước lúc Quốc hội thông qua đạo luật này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trả lời báo chí rằng: Bộ đã hoàn tất việc thiết kế mẫu giấy mới, khi các luật sửa đổi trên có hiệu lực sẽ đưa vào sử dụng. Giấy tờ nhà đất mới sẽ do văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp. Việc cấp giấy có thể thực hiện ngay mà không cần đợi sửa luật.

Vậy việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn lần này do đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ, ngành và cá nhân nào được phân công dự thảo văn bản mà không hoàn thành tốt nhiệm vụ?

Quy trình và kỹ thuật lập pháp cần phải được rà soát lại

Rõ ràng, thời gian qua quy trình này được các cơ quan lập pháp, lập quy thực hiện mà thiếu sự liền mạch do chưa có sự phân công, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan như một nguyên tắc đã được khẳng định trong nhiều văn bản. Quốc hội xây dựng luật, Chính phủ và bộ máy hành chính tổ chức thực hiện bằng các văn bản hướng dẫn thực thi và nhiều biện pháp khác. Nhưng điều đó không có nghĩa, Quốc hội cứ thông qua luật mà không biết được việc tổ chức thực hiện sẽ như thế nào?

Quốc hội không làm thay Chính phủ, không đưa tất cả nội dung vào luật, nhưng những sự tiên liệu, tính toán về ý nghĩa kinh tế, lợi ích; xác định công cụ và văn bản hỗ trợ thực thi ngay cùng lúc Quốc hội thông qua dự luật là rất cần thiết. Nói cách khác, cơ quan nào ban hành, bằng hình thức văn bản nào, thứ tự trước sau ra sao đều phải xác định ngay từ khi xây dựng luật.

Với Luật Đất đai sửa đổi lần này, dư luận đặt niềm tin vào phát biểu của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và kỳ vọng lớn vào một mẫu sổ đỏ mới được áp dụng ngay sau khi luật sửa đổi có hiệu lực.

Nhưng tại buổi triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm của ngành tài nguyên môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức lại dự báo, sớm nhất cũng phải đến 1-10 mới có văn bản hướng dẫn cho việc gộp sổ đỏ và sổ hồng. Điều gì đã xảy ra khiến tình hình thay đổi như vậy? Quốc hội có dự liệu được những tình huống đó?

Có thể chấp nhận độ trễ tương đối trong xây dựng luật nhưng khó chấp nhận sự trễ nãi trong thực thi khi luật đã có hiệu lực.

Theo Trương Trọng Hiếu
TBKTSG
Các tin liên quan
Các tin mới
  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland
Khu vực nội bộ

  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland