Chính sách nhà ở xã hội phù hợp có thể tạo điều kiện cho bên bán hạ giá nhà và bên mua có khả năng thanh toán. Mặt khác, những khoản tiền đầu tư phát triển nhà ở xã hội vừa giải quyết việc làm vừa tiêu thụ vật tư, hàng hóa nội địa, không cần xuất ngoại tệ để nhập khẩu như đầu tư xây dựng công nghiệp.
Ngân khoản kích cầu còn phát huy tác dụng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều ngành kinh doanh, sản xuất trong nước chứ không phải là tiêu thụ giúp hàng hóa của các nước khác.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng việc đầu tư phát triển nhà ở có khả năng tạo ra hiệu ứng kích cầu đối với nhiều ngành sản xuất khác.
Ông Liêm dẫn ra một ví dụ: năm 1994, Ngân hàng Thế giới đã phân tích rất công phu về tác động của ngành bất động sản, chủ yếu là nhà ở và cho thấy rằng cứ đầu tư một tỉ đô la Mỹ vào xây nhà sẽ tạo ra 1,7 đến 2,2 tỉ đô la nhu cầu đối với các ngành kinh tế khác.
“Kích cầu thông qua phát triển nhà ở xã hội nên được làm ngay, ít nhất với các dự án trị giá 11.000 tỉ đồng, đầu tư cho 4,4 vạn căn hộ trong hai năm 2009-2010 mà Chính phủ đã chấp thuận”, ông Liêm nói.
Sự xuất hiện sớm của các dự án nhà ở xã hội không chỉ có ý nghĩa giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp, công nhân viên chức, mà còn có tác động "giải cứu" thị trường vật liệu xây dựng đang khó khăn.
Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nói rằng, do sự đóng băng chung của thị trường xây dựng, khiến cho nguồn cung vật liệu xây dựng sản xuất trong nước hiện đang dư thừa.
Năng lực sản xuất xi măng trong nước đã vượt qua ngưỡng 45 triệu tấn và dự kiến đến cuối năm sau sẽ là trên 55 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ trong nước và xuất khẩu.
Các ngành khác như sứ vệ sinh hiện chỉ vận hành 80% công suất; nhiều nhà máy sản xuất kính xây dựng công suất lớn (8,5 triệu mét vuông) phải đóng cửa, ba nhà máy công suất 42 triệu mét vuông đã tạm thời tắt lò; ngành sản xuất gạch ceramic, granit hay tấm lợp khai thác công suất vận hành có nhỉnh hơn, nhưng công suất cũng giảm so với lúc thị trường xây dựng sôi động.