Đây là cách để Minh Việt vươn cánh tay ra không chỉ thị trường trong nước mà còn quốc tế.
Điểm yếu và lối ra...
Tại thời điểm đầy khó khăn này của thị trường bất động sản, đã có nhiều ý kiến khuyến nghị về những điểm yếu của doanh nghiệp bất động sản như vốn “mỏng”, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tinh thần liên minh hợp tác với nhau...
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực từng phê phán mạnh mẽ tinh thần hợp tác yếu kém của giới doanh nhân trong nước. Còn theo một quan chức của Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng (Bộ Xây dựng), trong khi các nước trong khu vực đã hình thành nhiều tập đoàn ủy thác đầu tư bất động sản, như con đường tất yếu phục vụ cho hoạt động kinh doanh thời hội nhập, thì các doanh nghiệp trong nước gần như chưa thể hiện được tầm nhìn đối với việc cần thiết phải liên minh, hợp tác.
Chia sẻ quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra nhận xét về số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bất động sản tuy rất đông nhưng phần lớn đều có quy mô vốn nhỏ, không phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Từ đó đưa ra khuyến nghị, bản thân các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tập quán kinh doanh đơn lẻ, phân tán, để liên minh lại với nhau mới mong có sức mạnh đối mặt với sự cạnh tranh sẽ ngày một khắc nghiệt hơn từ phía các đối thủ ngoại - những người đã khẳng định được đẳng cấp của mình ở những dự án bất động sản cao cấp.
Trước khi “nhập vai” doanh nghiệp, ông Edward Chi từng là tư vấn lâu năm cho các dự án bất động sản. Vậy nên, cũng trăn trở vì những điểm yếu trên, ông đã quyết định tìm con đường đi mới cho công ty Minh Việt.
Đầu tư vào dự án nhà cao cấp TriconTower tại Hà Nội với tham vọng góp phần định danh rõ ràng “thế nào là nhà cao cấp”, muốn giải quyết đầu ra, công ty Minh Việt tính đến việc liên kết với doanh nghiệp ngoại.
Chỉ có yếu tố chuyên nghiệp mới tạo lợi thế cạnh tranh. Vậy nên, các nhà đầu tư trong nước cần phải đi vào những thị phần chuyên biệt; đầu tư nghiêm túc vào lĩnh vực nghiên cứu - phát triển để nắm bắt xu hướng tiêu dùng và liên minh lại để tạo thế giao dịch “bằng vai phải lứa” với các đối tác quốc tế.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải cập nhật kỹ năng mới, ứng dụng công nghệ mới, chuyên sâu trong từng công đoạn: quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý dự án, tiếp thị, hậu mãi...
“Việc này có thể học hỏi từ cách làm của các đối tác nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam. Nhiều công ty chuyên nghiệp kết hợp lại sẽ tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ chuyên nghiệp cho toàn bộ quy trình phát triển dự án”, ông Edward Chi khẳng định.
Với 100 năm kinh nghiệm, Coldwell Banker (Mỹ) có thâm niên và mạng lưới hoạt động trên toàn cầu có thể thỏa mãn những yêu cầu trên. Khởi điểm, công ty này muốn tìm đối tác để nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Đã có một nhóm công ty Việt Nam lọt vào mắt xanh của Coldwell Banker.
Tuy nhiên, chính ông Edward Chi đã thuyết phục đối tác ngoại này thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Nhượng quyền thương hiệu trong kinh doanh bất động sản, đặc biệt là trong môi trường của Việt Nam vào thời điểm này là chưa thích hợp.
Bỏ một khoản tiền tương đối lớn để mua thương hiệu thôi chưa đủ, cần có tầm để đảm bảo cho thương hiệu đó phát triển. Chỉ cần chút sơ sảy có thể đánh mất uy tín và không dễ gì lấy lại được.
Lý lẽ này đã thuyết phục được Coldwell Banker chuyển từ nhượng quyền thương hiệu sang vai trò đối tác, tức là cùng lên một con thuyền với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài việc hỗ trợ đối tác Việt Nam trên phương diện đào tạo nhân lực, tổ chức lại hoạt động cho đúng quy chuẩn, dự kiến tới đây hai bên sẽ xây dựng sàn giao dịch bất động sản Coldwell Banker Minh Việt.
Mặc dù lúc này đã có cảnh báo về việc các doanh nghiệp đua nhau mở sàn giao dịch bất động sản, ông Edward Chi vẫn tự tin, đây sẽ là sàn đầu tiên đưa ra dịch vụ giao dịch bất động sản trọn gói. Một chỉ số bất động sản cũng sẽ được sàn này tính toán nhằm góp phần tạo cơ sở để Bộ Xây dựng quản lý thị trường đặc biệt này.
Hút tiền xứ người
Khi phân khúc thị trường nhà cao cấp dường như đã “mãn” thì việc tìm đầu ra cho các dự án là chuyện không dễ, nhất là sau thời gian bị thổi giá, giờ người mua phần nào mất lòng tin. Muốn bán được hàng thì chính việc bắt tay với đối tác ngoại có hệ thống phân phối rộng khắp, đủ thông tin và chuyên nghiệp là giải pháp đắc lợi.
Đón đầu việc điều kiện để người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam được nới lỏng hơn, 49 đầu mối của Coldwell Banker trên toàn cầu sẽ cung cấp thông tin và chắp mối để khách mua dù ở bất cứ đâu cũng có thể mua được sản phẩm như ý. Ngược lại, giờ nhu cầu đầu tư bất động sản ở ngoài Việt Nam là có thật và có triển vọng.
Nếu cuối năm trước, công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức đã gây xôn xao với quyết định đầu tư 6 triệu USD để phát triển và kinh doanh các khu nhà ở tại California và Mississipi (Mỹ) thì đến nay, theo ông Edward Chi, có không dưới 20 dự án đầu tư sang Mỹ qua ủy thác đầu tư. Điều rủi ro gặp phải chính là việc thiếu thông tin, bị vấp về pháp lý...
Hiện thị trường bất động sản tại hai thị trường doanh nghiệp Việt Nam ưa đầu tư là Mỹ và Canada vẫn còn đầy tiềm năng với mức tăng trưởng khoảng 20%.
Việc giá cả bị giảm mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tiềm lực muốn làm ăn lâu dài tại những thị trường này. Và Coldwell Banker Minh Việt có thể hỗ trợ thông tin ở nhiều đầu, góp phần tạo lực đẩy cho việc kinh doanh bất động sản ở cả trong và ngoài nước, ông Edward Chi cho biết thêm.
Từ ví dụ bắt tay giữa hai doanh nghiệp nội và ngoại nói trên có thể nhận thấy, một cách thức vận động mới đã hình thành trong chính các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản của Việt Nam. Nói như ông trùm bất động sản Mỹ Donald Triump, xây dựng một đội ngũ làm việc có đẳng cấp là cách duy nhất để bạn gặt hái thành công.