Nguyên nhân của tình trạng này là do, trong những năm gần đây nạn đầu cơ đất đai, mua bán lòng vòng qua nhiều chủ phát triển mạnh đã khiến giá nhà, đất bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị thực.
Khi Luật thuế nhà, đất ra đời sẽ thay thế Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1992 (sửa đổi năm 1994). Luật thuế nhà, đất được kỳ vọng sẽ khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế nhà, đất hiện hành; tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà, đất, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả.
Đối với nhiều người dân, Luật thuế nhà, đất được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế đầu cơ, đưa giá nhà, đất về đúng với giá trị thực và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Nhằm góp ý kiến cho dự thảo luật, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội tổ chức hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật thuế nhà, đất”. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhiều người, các ý kiến tại buổi hội thảo đều cho rằng: Luật thuế nhà, đất mới chỉ góp phần hạn chế nạn đầu cơ chứ chưa thực sự giải quyết triệt để được vấn nạn này.
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ nhiệm bộ môn Địa chính (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Dự thảo luật chưa hướng tới nhiệm vụ trọng tâm là điều chỉnh các trường hợp như: Đất được giao nhưng không đưa vào sử dụng theo cam kết; sở hữu, sử dụng nhà, đất vượt quá hạn mức quy định. Như vậy, chắc chắn không thể ngăn chặn những cơn sốt giá do đầu cơ bất động sản, đặc biệt là đất”.
“Điều này cũng có nghĩa là khó có thể khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh”, ông Võ cho biết thêm.
Cùng chung quan điểm trên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật Basico cho rằng: “Luật thuế này chưa tập trung vào nội dung chính là giải quyết tình trạng đầu cơ đất đai. Quan trọng nhất của luật thuế là phải xác định được quyền và nghĩa vụ của nhân dân”.
Về mức thuế suất đánh như thế nào để tránh tình trạng đầu cơ, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm- Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt ra câu hỏi: “Với mức thuế thấp như trong dự thảo thì dù có đánh thuế lũy tiến cũng có ngăn chặn được nạn đầu cơ đất đai không?”.
Để giải quyết vấn nạn đầu cơ đất đai, ông Đặng Hùng Võ gợi ý: “Mức thuế như trong dự thảo là hợp lý, còn nếu muốn giải quyết triệt để nạn đầu cơ đất đai thì cần đặt thêm một mức lũy tiến thứ tư đối với trường hợp có đất nhưng không sử dụng, mức thuế suất có thể là 0,12 - 0,15%. Có như vậy mới giải tỏa tình trạng đầu cơ, tích lũy đất đai và khuyến khích việc sử dụng đất. Thuế nhà, đất cần đánh vào giá trị nhà, đất, nhưng hạn mức tính thuế lại xác định theo diện tích đang sử dụng".
Đa số ý kiến cũng cho rằng, không nên áp dụng một biểu chung về thuế suất đối với nhà. Vùng giàu và đô thị thì giá sẽ khác với vùng miền núi, miền xuôi, đô thị. Đối với nhà, nên áp dụng cụ thể hơn nữa chứ không nên chỉ áp dụng cho nhà cấp 3, cấp 4… Nên áp dụng mức thuế suất khác nhau cho từng địa phương, từng khu vực, vùng, miền.
Dự kiến, Dự thảo Luật thuế nhà, đất sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2009. Nếu được thông qua, Luật thuế nhà, đất sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, trở thành một trong những sắc thuế quan trọng, đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước./.
Theo dự thảo Luật thuế nhà, đất, nhà ở dưới 600 triệu đồng sẽ không phải nộp thuế. Diện tích khởi điểm phải chịu thuế là 150m2, giá 1m2 nhà xây dựng mới khoảng 4 triệu đồng, do vậy giá khởi điểm tính thuế 600 triệu đồng (150m2 x 4 triệu đồng/m2 = 600 triệu đồng). Với đất ở là nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sẽ áp dụng một mức thuế suất là 0,03%...
Như vậy, chỉ cần một phép tính đơn giản có thể thấy rằng luật thuế này có đủ sức ngăn chặn nạn đầu cơ hay không. Một căn nhà trị giá 3 tỷ đồng, mỗi năm chỉ phải nộp gần 1 triệu đồng tiền thuế. Trong khi đó, giá nhà tăng hàng năm khoảng 20 - 40% giá trị căn nhà.
Theo TTXVN