Cổ phiếu có thể duy trì đà tăng?
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trở lại vào tuần trước sau khi Fed thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018 cùng với đánh giá đáng khích lệ về nền kinh tế Mỹ.
Trong tuần qua, ba chỉ số chính của Phố Wall đã ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 11/2020 với chỉ số Dow Jones tăng 5,5%, S&P 500 tăng 6,2% và Nasdaq tăng 8,2%.
Nhưng các nhà đầu tư hiện gặp khó khăn với câu hỏi liệu Fed có thể chống lại lạm phát tăng vọt mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái hay không.
Tuần trước, JPMorgan dự báo chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm ở mức 4.900 điểm, cao hơn khoảng 10% so với mức đóng cửa của ngày thứ Sáu (18/3) và nhận định rằng các thị trường "hiện đã rõ ràng với chính sách diều hâu của Fed”.
Tuy nhiên, những lo ngại về lạm phát cao, giá hàng hóa cao ngất trời và ít dấu hiệu căng thẳng địa chính trị ở Ukraine sẽ sớm chấm dứt đang tiếp tục làm mờ triển vọng thị trường của các nhà đầu tư.
Căng thẳng địa chính trị ở Ukraine
Các chuyên gia theo dõi thị trường sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến xung đột ở Ukraine và các tin tức có thể tiếp tục gây nhiễu loạn thị trường trong tuần này. Các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra ngay cả khi các cuộc xung đột của Nga và Ukraine vẫn tiếp tục.
Tổng thống Joe Biden sẽ tham gia cuộc họp NATO vào thứ Tư (23/3) và cũng là thời gian mà hội nghị thượng đỉnh của EU vào giữa tuần tại Brussels, nhằm mục đích củng cố sự gắn kết mới được tìm thấy với các đồng minh châu Âu.
Phương Tây đang có nguy cơ rạn nứt với Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia không lên án xung đột của Nga đối với Ukraine.
Hôm thứ Sáu (18/3), Tổng thống Biden đã cảnh báo Trung Quốc về "hậu quả" nếu Bắc Kinh hỗ trợ vật chất cho Nga. Trong khi Trung Quốc đã không lên án hành động của Nga nhưng vẫn bày tỏ quan ngại về căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng nói rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga là "thái quá”.
Phát biểu của Fed
Vào thứ Hai (20/3), Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu về triển vọng kinh tế tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia, chưa đầy một tuần sau khi Fed khởi động chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ được cho là mạnh mẽ.
Lịch kinh tế của Mỹ trong tuần này không có nhiều dữ liệu ảnh hưởng lớn, chủ yếu là PMI sản xuất được công bố vào thứ Năm (24/3).
Giá dầu
Giá dầu đã ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp với cả giá dầu Brent và dầu thô Mỹ đều kết thúc tuần qua với mức giảm khoảng 4%.
Giá dầu đang đi trên một chuyến tàu lượn, trong khi vừa chạm mức cao nhất trong 14 năm vào hai tuần trước khi được thúc đẩy bởi nguồn cung hạn chế từ các thương nhân tránh các thùng dầu của Nga và kho dự trữ dầu đang cạn kiệt nhưng đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại.
Giá dầu đã bị áp lực bởi những lo lắng về nhu cầu sau khi các ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc, trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran bị đình trệ đã trở thành yếu tố khiến giá dầu tiếp tục trồi sụt mạnh.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các thị trường dầu mỏ có thể mất 3 triệu thùng/ngày dầu của Nga kể từ tháng 4. IEA cho biết khoản sụt giảm đó sẽ lớn hơn nhiều so với sự sụt giảm nhu cầu dự kiến do giá nhiên liệu cao hơn.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm trầm trọng thêm vấn đề công suất đầu ra hạn chế. IEA cho biết thế giới sẽ thâm hụt nguồn cung 700.000 thùng/ngày trong quý II.
Dữ liệu PMI Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh
Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh sẽ công bố dữ liệu PMI cho tháng 3, đây sẽ là một bài kiểm tra mức độ ảnh hưởng kinh tế về các loại tác động từ xung đột ở Ukraine.
Sau khi chỉ số cảm tính kinh tế (ZEW) cho thấy tinh thần nhà đầu tư Đức sụt giảm kỷ lục vào tháng 3, không thể loại trừ suy thoái trong nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro.
Tuy nhiên, các thị trường đã phớt lờ đà lao dốc của chỉ số ZEW và thay vào đó tập trung vào các nỗ lực của các ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát.
Nhưng khi chi phí năng lượng tăng cao siết chặt chi tiêu của các hộ gia đình, một loạt chỉ số PMI giảm có thể gây ra hồi chuông cảnh báo về khả năng kinh tế suy thoái.