Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi các nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ giảm được hạn chế phần nào nhờ giá dầu hồi phục dựa trên niềm tin rằng OPEC sẽ tăng sản lượng ít hơn dự kiến.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters
Theo tin từ Reuters, giá cổ phiếu năng lượng tăng đã giúp các chỉ số chứng khoán chính ở Phố Wall thu hẹp được mức giảm vào cuối ngày và đóng cửa ở mức điểm cao hơn đáng kể so với mức đáy thiết lập trong phiên.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ ngày 6/7. Ngay sau đó, Trung Quốc tuyên bố đáp trả bằng cách dừng tất cả các thỏa thuận đã đạt được với Mỹ trong đàm phán thương mại, đồng thời áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, trong đó có dầu lửa.
"Nỗi lo lớn nhất lơ lửng trên thị trường vào thời điểm này là vấn đề thương mại, là sự ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor ở Charlotte, North Carolina, Mỹ - nhận định.
"Nhưng nếu mọi người nghĩ chiến tranh thương mại thực sự sẽ xảy ra, thì giá cổ phiếu còn phải giảm nhiều hơn nữa. Việc giá cổ phiếu giảm ít đồng nghĩa với việc mọi người cho rằng chính quyền Trump đang triển khai chiến lược đàm phán mà thôi", ông Zaccarelli nhận xét.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,41%, còn 24.987,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,21%, còn 2.773,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,01%, đạt 7.747,03 điểm.
Cổ phiếu năng lượng là nhóm tăng nhiều thứ nhì trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500, với mức tăng 1,1%.
Giá dầu thô đã đảo ngược xu hướng giảm khá mạnh trước đó trong phiên và kết thúc phiên trong trạng thái tăng.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI tại Mỹ tăng 0,79 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, đạt 65,85 USD/thùng. Giá dầu Brent tại thị trường London tăng 1,9 USD/thùng, tương đương tăng 2,6%, đạt 75,34 USD/thùng.
Vào ngày 22/6 này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga sẽ nhóm họp tại Vienna, Áo để quyết định chính sách sản lượng. OPEC và một số nước đồng minh, gồm Nga, đã hạn chế sản lượng khai thác dầu kể từ đầu năm 2017.
Ông Bob Yawger, người phụ trách mảng năng lượng giao sau tại Mizuho ở New York, nói rằng những tín hiệu từ OPEC về quy mô tăng sản lượng khai thác sẽ là nhân tố dẫn dắt thị trường dầu lửa trong tuần này.
"Rõ ràng, một phần sự tăng sản lượng dự kiến đã được phản ánh vào giá dầu", ông Peter Kenny, chiến lược gia thị trường cấp cao thuộc Global Markets Advisory Group ở New York, phát biểu.
Tại thị trường châu Âu, chỉ số FTESEurofirst 300 giảm 0,8%. Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán toàn cầu giảm 0,43%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài biến động mạnh dưới ngưỡng 3%, tiếp tục được hỗ trợ bởi quan điểm lạc quan về nền kinh tế Mỹ mà Cục Dự trữ Liên bang (FED) đưa ra hồi tuần trước cũng như các thống kê tích cực về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới thời gian gần đây.
Lợi suất kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc giảm còn 2,9205%, từ mức 2,924% khi đóng cửa hôm thứ Sáu tuần trước.
Nỗi lo về chiến tranh thương mại đã thúc đẩy nhu cầu đối với các đồng tiền an toàn, như đồng Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ.
Đồng Yên tăng giá 0,09% so với đồng USD, đạt mức 110,59 Yên/USD. Đồng Franc tăng 0,3%, đạt 0,9943 Franc/USD.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,01%.
Đồng Euro tăng 0,07% so với USD, đạt 1,1615 USD/Euro. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ giảm 0,3%, còn 6,456 Nhân dân tệ/USD.
Theo http://vneconomy.vn