Chưa thể tạo bất ngờ
Trong báo cáo xếp hạng thị trường tháng 3/2024, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market).
FTSE Russell tiếp tục duy trì các đánh giá về tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)", quá trình đăng ký tài khoản mới, và việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài.
Điểm khác biệt là lần này, FTSE Russell nhắc tới cam kết Thủ tướng Phạm Minh Chính để thể hiện cho quyết tâm nâng hạng của Việt Nam.
Vào ngày 28/02/2024, Thủ tướng đã cam kết sẽ loại bỏ các rào cản để Việt Nam được nâng hạng trước năm 2025 bằng cách sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và xóa bỏ các rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường. Một số biện pháp cụ thể có thể kể tới như đánh giá lại cơ chế room ngoại hiện tại và đơn giản hóa quy trình mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.
"Hiện tại một nhóm công tác đang phối hợp cùng với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để đánh giá một đề xuất về mô hình thanh toán mới", FTSE Russell cho biết trong báo cáo mới nhất. Họ tiếp tục khuyến khích các cuộc gặp gỡ giữa các tổ chức Việt Nam và cộng đồng quốc tế để hiểu rõ hơn về những khó khăn khi tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Để đạt được mục tiêu nâng hạng vào năm 2025, Việt Nam phải sớm xác nhận và phổ biến rộng rãi về mô hình thanh toán mới, bao gồm hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán. Cùng với đó, Việt Nam phải đưa ra lộ trình, với các cột mốc quan trọng cụ thể, để đạt mục tiêu”, FTSE Russell nhận định.
Nút thắt dần được tháo gỡ
Thực tế, nâng hạng thị trường là một mục tiêu quan trọng nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ từ năm 2021, nhưng gần đây lại càng được đẩy mạnh hơn.
Một thông tin đáng chú ý là Việt Nam đang gấp rút gỡ bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài ký quỹ trước - một nút thắt quan trọng trong quá trình nâng hạng.
Tuần trước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (NHNN) đã thông báo lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung, trong đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua cổ phiếu Việt mà không cần phải ký quỹ trước (prefunding), với sự bảo lãnh của một số công ty chứng khoán lớn.
Giới chuyên gia đánh giá đây là bước đi tích cực và góp phần giúp câu chuyện nâng hạng của Việt Nam trở nên khả thi trong 6-9 tháng tới. Một lộ trình khả dĩ là sau khi Việt Nam thông qua dự thảo trên, FTSE Russell sẽ đánh giá và quyết định nâng hạng Việt Nam vào đợt tháng 9/2024 hoặc tháng 3/2025. Đến năm 2025-2026, họ sẽ bắt đầu thêm cổ phiếu Việt Nam vào chỉ số mới nổi của FTSE.
Việc được nâng hạng chắc chắn sẽ nâng cao vị thế và thu hút thêm dòng vốn đến với đất nước hình chữ S, nhất là các quỹ ETF bám sát theo các chỉ số thị trường mới nổi.
Theo ước tính của BSC Research, nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng, thị trường sẽ đón nhận khoảng 1.3 -1.5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE, trong đó các quỹ ETF sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700 - 800 triệu USD (tương đương với quy mô TTCK Philippines hiện tại).
Nguồn Vietstock