Mục tiêu chương trình thẻ điểm công bố thông tin & minh bạch 2016
Trong bối cảnh yêu cầu về hội nhập ngày càng sâu và rộng giữa thị trường vốn Việt Nam với thị trường vốn quốc tế, việc nâng cao chất lượng công bố thông tin minh bạch, quản trị công ty và quan hệ nhà đầu tư là một trong các trụ cột chiến lược giúp nâng cao chất lượng môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Hiện nay, các động lực chủ yếu thúc đẩy hoạt động Quản trị công ty (QTCT) của Việt Nam bao gồm: (i) Chính phủ cam kết thúc đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp nhà nước với tiến trình cổ phần hóa; (ii) TTCK Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; và (iii) Nhu cầu thu hút và hội nhập thị trường vốn quốc tế của các doanh nghiệp trong nước cũng như của toàn bộ nền kinh tế.
Quy chế về QTCT áp dụng cho các công ty niêm yết được ban hành lần đầu vào năm 2007. Đây là văn bản hướng dẫn về QTCT đầu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam. Văn bản pháp quy mới nhất liên quan đến QTCT tại Việt Nam là Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về QTCT áp dụng cho các công ty đại chúng. Lần lượt Luật Doanh nghiệp và Thông tư hướng dẫn CBTT trên TTCK được cập nhật và sửa đổi vào các năm 2014 và 2015. Những bước tiến rõ rệt trong việc xây dựng hệ thống pháp luật về QTCT thể hiện cam kết tối đa của các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong việc thiết lập và nâng cao chất lượng QTCT của các doanh nghiệp tham gia TTCK.
Cùng với các tiến triển trong việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động QTCT của Việt Nam, từ năm 2009 đến năm 2011, dự án Quản trị Công ty của IFC tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát và xây dựng thẻ điểm QTCT nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý và công ty Việt Nam tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về quản trị công ty. Tiếp đó, từ năm 2011 cho đến nay, Việt Nam đã cùng 6 nước Đông Nam Á tham gia vào chương trình Thẻ điểm ASEAN, một sáng kiến của Diễn đàn thị trường vốn ASEAN.
Từ phía cơ quan tổ chức và giám sát thị trường, HNX tiếp tục triển khai chương trình chấm điểm chất lượng CBTT và QTCT trong năm thứ tư liên tiếp. Trải qua 4 năm thực hiện, chương trình đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thành viên thị trường, đặc biệt là từ các doanh nghiệp niêm yết (DNNY), cũng như sự đánh giá cao của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các tổ chức quốc tế. Chương trình thẻ điểm công bố thông tin và minh bạch năm 2016 có những mục tiêu tổng quát sau:
1/ Nhằm đánh giá tổng quan về thực hành CBTT và QTCT của các DNNY trên HNX; từ đó, cung cấp một bức tranh tổng thể, toàn diện về thực tế CBTT và QTCT cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực CBTT và QTCT, cũng như các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
2/ Nhằm thúc đẩy chất lượng CBTT của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động QTCT của các DNNY trên TTCK Việt Nam.
3/ Đóng vai trò tham chiếu cho các định hướng chính sách mới về QTCT, đồng thời giới thiệu các tiêu chuẩn, xu hướng mới về QTCT đến các doanh nghiệp Việt Nam. Trong lúc điều kiện thị trường chưa sẵn sàng để đưa ra Bộ nguyên tắc QTCT, chương trình Thẻ điểm này sẽ là một kênh thông tin hữu ích giúp doanh nghiệp định hướng cho kế hoạch nâng cao thực hành QTCT của chính mình.
Phương pháp luận và tiêu chí đánh giá 2016
Để đảm bảo tính khách quan và toàn diện của chương trình đánh giá, Chương trình đánh giá CBTT và minh bạch 2016 tiếp tục sử dụng phương pháp thẻ điểm, đánh giá các thực hành QTCT của DNNY dựa theo các bằng chứng CBTT được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đứng trên quan điểm của các nhà đầu tư, HNX chỉ tính đến các thông tin được công bố để đánh giá thẻ điểm.
Trên TTCK, tính minh bạch và công bố thông tin của DNNY là những điều kiện căn bản giúp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể tiếp cận và đánh giá tiềm năng đầu tư. Do vậy, kể cả khi công ty tự nguyện thực hiện các thông lệ tốt nhất về CBTT và QTCT nhưng lại không công bố ra bên ngoài, kết quả đánh giá của công ty cũng có thể không cao.
Bộ tiêu chí được thiết kế nhằm đánh giá đồng thời năng lực thực thi của DNNY với các quy định pháp luật và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực QTCT. Sở GDCK Hà Nội dựa vào hệ thống các quy định pháp luật trên TTCK về vấn đề CBTT và QTCT như Thông tư 121/2012/TT-BTC về QTCT cho công ty đại chúng, Thông tư 155/2015/TT-BTC về CBTT trên TTCK, Luật Doanh nghiệp 2014 để thiết lập các tiêu chí mang tính chất tuân thủ bắt buộc đối với các DNNY.
Ngoài ra, để khích lệ các doanh nghiệp tự nguyện áp dụng các thông lệ tốt về QTCT cũng như CBTT, HNX đã tham khảo các khuyến nghị trong bộ nguyên tắc về QTCT năm 2015 của OECD. Theo Bộ nguyên tắc này, các nguyên tắc về Quyền cổ đông (A) và đối xử bình đẳng với cổ đông (B) được gộp thành một nội dung và bổ sung thêm các nguyên tắc mới về Nhà đầu tư có tổ chức, TTCK và các trung gian khác.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính nhất quán của Thẻ điểm CBTT và QTCT so với những năm trước, HNX giữ nguyên việc chia tách các khía cạnh về Quyền và Đối xử công bằng với cổ đông. Khía cạnh về nhà đầu tư tổ chức không được đưa vào Thẻ điểm này do không thuộc phạm vi đánh giá. Theo đó, bộ tiêu chí đánh giá của Sở GDCK Hà Nội bao gồm 102 tiêu chí, với tổng điểm là 150 điểm, chia thành 5 khía cạnh của QTCT, cụ thể là:
A. Quyền của cổ đông
B. Đối xử bình đẳng với cổ đông
C. Vai trò của các bên liên quan
D. CBTT và Minh bạch
E. Trách nhiệm của HĐQT và BKS
Chi tiết về cấu trúc bộ tiêu chí 2016 được trình bày trong Bảng 1 trên đây (xem bảng 1).
Tổng số tiêu chí được đưa ra là 102 câu (tối đa 150 điểm), trong đó có 68 tiêu chí tuân thủ (với điểm tối đa đạt được là 103 điểm) và 34 tiêu chí theo thông lệ quốc tế (với điểm tối đa đạt được là 47 điểm).
Mỗi tiêu chí có điểm tối đa là 1 hoặc 2 điểm. Đối với tiêu chí tuân thủ: 0 điểm tương ứng với việc hoàn toàn không tuân thủ/không tìm thấy bằng chứng tuân thủ, 1 điểm tương ứng với việc tuân thủ một phần và 2 điểm tương ứng với việc tuân thủ toàn phần. Trong các tiêu chí có điểm tối đa là 1 điểm, 0 điểm tương ứng với việc không tuân thủ/không tìm thấy bằng chứng tuân thủ và 1 điểm tương ứng với việc tuân thủ toàn phần.
Đối với tiêu chí thông lệ: 0 điểm tương ứng với việc không quan sát thấy việc thực hiện thông lệ, 1 điểm tương ứng với việc quan sát thấy thực hiện một phần và 2 điểm tương ứng với việc quan sát thấy thực hiện toàn phần. Trong các tiêu chí có điểm tối đa là 1, 0 điểm tương ứng với việc không quan sát thấy việc thực hiện thông lệ và 1 điểm tương ứng với việc tìm thấy bằng chứng thực hành thông lệ.
Trong số 102 tiêu chí, có 3 tiêu chí được chia theo ngành. Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất – công nghiệp và nhóm ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có sự khác biệt trong một số chỉ tiêu công bố thông tin. Vì vậy, các tiêu chí được thiết kế tương ứng với từng nhóm ngành của doanh nghiệp. Số lượng tiêu chí và số điểm tối đa dành cho mỗi nhóm ngành là như nhau (xem bảng 2).
Năm 2016, sẽ chấm điểm 357 DN niêm yết
Tất cả các DNNY trên Sở GDCK Hà Nội tính đến tháng 3/2016, loại trừ những doanh nghiệp hủy niêm yết trong năm 2015 và các doanh nghiệp mới niêm yết năm 2016 do không đủ dữ liệu đánh giá, tổng cộng có 357 DNNY đủ điều kiện để đánh giá.
Về kỳ dữ liệu đánh giá, Sở GDCK Hà Nội đánh giá dựa trên tất cả các thông tin mà DNNY cung cấp cho Sở GDCK Hà Nội theo quy định của pháp luật và các thông tin mà DNNY công bố trên phương tiện thông tin đại chúng bao gồm và không giới hạn bởi: Thư mời và tài liệu họp, Nghị quyết và Biên bản họp Đại hội đồng Cổ đông, các Báo cáo Tài chính, Báo cáo thường niên, Báo cáo quản trị, các thông tin công bố định kỳ và bất thường, website của DNNY.
Kết quả đánh giá và Báo cáo kết quả đánh giá sẽ được công bố vào tháng 10/2016. Sở GDCK Hà Nội dự kiến sẽ trao giải cho 30 DNNY thực hiện tốt nhất công tác CBTT và minh bạch cùng 10 doanh nghiệp có nhiều tiến bộ nhất trong năm vừa qua.