Hình minh họa
40 cao ốc “đè” tuyến đường 2km
Những năm gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội ghi nhận làn sóng dịch chuyển từ trung tâm sang các quận phía tây như Nam Từ Liêm, Mỹ Đình, Thanh Xuân, Hà Đông… Thực tế này đã kéo theo sự đổ bộ của hàng loạt ông lớn bất động sản về đây đầu tư dự án, dẫn đến sự xuất hiện ồ ạt, vô tội vạ của các đại đô thị, các cao ốc, chung cư ở khu trung tâm và trải dọc những tuyến đường tiến vào nội đô.
Vài năm trước, nhiều tuyến đường huyết mạch của thủ đô như đường trên cao vành đai 3, đường Tố Hữu, đường 70, Vạn Phúc, Lê Trọng Tấn… khi mới được đầu tư mở rộng và đưa vào khai thác ít khi nào thấy ùn tắc vì nằm ở rìa ngoại thành, ít dân cư. Thế nhưng hiện nay, những tuyến đường này lại trở thành “điểm đen” tắc nghẽn và là nỗi ám ảnh của người dân mỗi lần lưu thông qua đây.
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc hàng trăm cao ốc, đại đô thị dọc các tuyến đường ngay khi đưa vào sử dụng đã đón một lượng lớn cư dân, tạo áp lực ghê gớm cho hệ thống hạ tầng, giao thông thành phố.
Một trong số đó phải kể đến con đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài). Năm 2010, tuyến đường dài 2,7km này được khánh thành, với kỳ vọng tạo đà phát triển cho khu vực phía tây thành phố, đồng thời giải toả một phần áp lực giao cho đường Nguyễn Trãi. Không lâu sau, dọc hai bên tuyến đường này đã mọc lên hàng loạt khu đô thị và cao ốc khiến tuyến đường từ chỗ được coi là “con đường giải cứu” lại bất đắc dĩ trở thành “con đường đau khổ”.
Hình minh họa
Theo thống kê sơ bộ, dọc hai bên đường Tố Hữu đã có tới 30 - 40 tòa chung cư thuộc gần 20 dự án với chiều cao từ 20 đến trên 30 tầng. Trong đó có những dự án lớn như khu đô thị Dương Nội của Công ty Nam Cường có quy mô dân số lên tới 2,5 - 3 vạn người, hay khu Park City với quy mô xấp xỉ 2 vạn người – ngang với dân số của một phường.
Chưa hết, trên tuyến đường này còn có hàng nghìn căn hộ đã được xây dựng xong và bàn giao cho khách hàng tại các dự án như CT14 Bắc Hà, CT Trung Văn, The Light, Tây Hà, The Pride, Ecolife Capitol...
Trong khi đó, phía đầu đường Lê Văn Lương đoạn gần ngã tư Láng Hạ, nhiều công trình nhà ở cao tầng mới mọc lên như Time Tower HACC1 Complex Building, The Golden Palm, HPC Landmark 105 Lê Văn Lương…
Ngoài ra, các tuyến đường nhánh cắt ngang Tố Hữu như đường Trung Văn từ sau khi được nâng cấp lên đường đô thị cũng ghi nhận sự có mặt của các đô thị phía trong như Trung Văn, VOV Mễ Trì...
Một khu vực khác cũng có mật độ nhà cao tầng dày đặc là dọc đường Nguyễn Trãi và tuyến đường vành đai 3. Hiện tại, dọc tuyến đường vành đai 3 có nhiều cao ốc lớn đã đưa vào sử dụng trong những năm gần đây như dự án Thăng Long Number 1 (40 tầng), EcoGreen City (35 tầng), khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ gồm 5 tòa chung cư cao từ (36-45 tầng), khu chung cư Vinaconex 1 (22-27 tầng)…
Hình minh họa
Quy hoạch bị băm nát
Trong các yếu tố tạo nên giá trị cho bất động sản, người ta tin rằng hạ tầng, vị trí sát các tuyến đường huyết mạch, đường lớn là một những yếu tố hàng đầu. Điều đó lý giải cho việc khu vực nào sắp có tuyến đường mới đi qua, thậm chí chỉ mới nghe thông tin quy hoạch đã được các môi giới, chủ đầu tư tận dụng làm yếu tố quảng bá nhằm “thăng hạng” cho dự án bất động sản.
Cuộc chạy đua giữa nhà và đường, cứ thế không bao giờ dừng lại. Song, kết quả thắng – thua thì thực tế đã rõ. Không ít dự án, nhà đã xong mà đường chưa thấy đâu, dẫn đến tình trạng dân về ở mới tá hoả vì lối vào không như quảng cáo, gần đường lớn nhưng phải qua đường nhỏ, đường ngõ mới về được nhà…
Một điển hình nữa cho tình trạng cao ốc “bức tử” hạ tầng hiện naylà khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, nơi vốn được xem là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội, nhưng hiện tại cũng chính là nơi có tốc độ phát triển nhanh nhất với sự gia tăng nhanh chóng cả về số lượng lẫn chiều cao của các tòa nhà.
Theo phản ánh của cư dân, hiện nay khu đô thị có 16 tòa nhà với chiều cao từ 17 – 34 tầng thuộc địa giới hành chính của hai phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), với mật độ xây dựng đã tăng lên hơn 50%. Trong khi thời điểm quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, mật độ xây dựng tại khu đô thị này là 34,88% với 8 tòa nhà cao trung bình từ 6,7 - 7,5 tầng.
Cao ốc trong khu đô thị cứ mọc lên, “nén” thêm hàng vạn dân đã khiến những con đường như Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thuý, Hoàng Ngân, Hoàng Minh Giám… vốn được coi là những con đường đẹp khu vực phía tây trở nên ngột ngạt, chật chội.
Hình minh họa
Bởi lẽ đó mà mới đây, khi Vinaconex đề xuất “nhồi” thêm cao ốc 18 tầng vào khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính, đồng loạt cư dân đã lên tiếng phản đối vì lo ngại việc này sẽ làm gia tăng thêm áp lực đối với hạ tầng vốn đã quá tải.
Hay như khu đô thị Linh Đàm từng tự hào về không gian sống xanh, thoáng mát đã bị phá nát bởi sự xuất hiện ồ ạt của chung cư, phủ kín phía tây - tây nam bán đảo, đặc biệt là khoảng10 tòa nhà cao từ 30 - 40 tầng trên quy mô diện tích chỉ vài hécta.
Các tuyến đường nối Linh Đàm - Giải Phóng hay Khuất Duy Tiến và tất cả các con đường được nhắc ở trên vào giờ cao điểm đều tắc nghẽn trầm trọng. Hàng nghìn người nối “thành sông” nhích từng chút một do mật độ lưu thông quá lớn.
Mới đây, trục đường Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thuý còn hình thành thêm tuyến xe buýt nhanh BRT, mỗi bên bị thu hẹp một phần làn đường khiến cho hạ tầng giao thông qua khu vực này càng bị “bóp nghẹt”.
Giới chuyên gia quy hoạch – kiến trúc cho rằng, thực trạng quy hoạch Hà Nội hiện nay chính là biểu hiện của căn bệnh “đầu to đô thị”. Ngày càng nhiều những đô thị bị nén cao độ ở trung tâm mọc lên, trong khi đường sá không thể “phình” ra khiến hạ tầng rơi vào tình trạng quá tải, phải “oằn lưng” gánh một “núi” người khổng lồ, tạo ra những hệ luỵ tồi tệ như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, thiếu cơ sở dịch vụ, hạ tầng xã hội…
Hình minh họa
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.109 cơ sở công trình nhà cao tầng và siêu cao tầng với 1.407 tòa nhà đang hoạt đông.
Trong tương lai, khi một loạt những dự án đang tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng, chắc chắn áp lực lên giao thông còn kinh khủng hơn rất nhiều.
Hiện TP. Hà Nội cũng đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm như đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội, nhằm đẩy mạnh dịch vụ vận tải công cộng, góp phần giảm tải áp lực giao thông cho đô thị.
Chưa bàn đến hiệu quả ra sao, nhưng chính những dự án này đang trở thành một trong những nguyên nhân khiến các khu vực có dự án đi qua trở thành “điểm đen” ùn ứ, tắc nghẽn do quá trình thi công ngổn ngang, phần đường dành cho lưu thông bị thu hẹp.
Theo cafeland.vn