Tin tức sự kiện

Tin tức thị trường

Share |

Bất động sản vùng ven 2019, lạc quan trong thận trọng

Cập nhật 03-03-2019,10:00 AM

Với sự phát triển của cơ sở hạ tầng kết nối, dòng tiền đang chảy mạnh vào các thị trường bất động sản tỉnh. Song không phải thị trường nào cũng là "trái ngọt" cho doanh nghiệp.


Hình minh họa: Bà Rịa - Vũng Tàu đang lọt vào tầm ngắm của nhiều đại gia địa ốc TP.HCM

Mọi ánh mắt hướng về vùng ven
Khác với những năm trước, thay vì lấy thị trường TP.HCM làm mục tiêu phát triển chính yếu, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp bất động sản, trong năm 2019, mục tiêu trọng tâm của họ là tiến về các thị trường ngách của TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Đơn cử, Tập đoàn Novaland, doanh nghiệp địa ốc hàng đầu phía Nam, từng được mệnh danh là “ông trùm” về phát triển các dự án căn hộ tại TP.HCM, nhưng trong kế hoạch phát triển năm 2019 gần như không nhắc đến thị trường TP.HCM, mà tập trung chủ yếu vào các thị trường ngách.

Novaland cho biết, sắp tới sẽ hiện thực hóa một cách mạnh mẽ giai đoạn 2 của chiến lược kinh doanh với 2 lĩnh vực trọng tâm là bất động sản và dịch vụ du lịch. Trong đó, Tập đoàn sẽ triển khai mạnh mảng dịch vụ du lịch - NovaTourism với 3 thương hiệu sản phẩm chính là NovaHills, NovaBeach và NovaWorld, đồng thời giới thiệu thêm khoảng 2.300 sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở nhiều địa phương như Phú Quốc, Cần Thơ, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Bình Thuận, Ninh Thuận, Cam Ranh - Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Cụ thể, trong năm 2019, Novaland sẽ trình làng 2 tổ hợp nghỉ dưỡng tại Phan Thiết là NovaHills và NovaWorld Phan Thiết, mỗi dự án có quy mô gần 100 ha, được phát triển thành các tổ hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp. Ngoài ra, Công ty cũng ra mắt một dự án khác là tổ hợp nghỉ dưỡng NovaBeach tại Cam Ranh, Khánh Hòa, Dự án NovaWorld Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Một “ông lớn” khác tại TP.HCM là Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đặt ra kế hoạch phát triển mạnh hàng loạt dự án tại nhiều tỉnh, thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Định, Đồng Nai… Thời gian qua, doanh nghiệp này đã chi ra hàng ngàn tỷ đồng để mua lại các dự án tại các địa phương trên, dự kiến trong năm 2019 sẽ lần lượt triển khai.

Ngoài những doanh nghiệp lớn kể trên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc từng có thời gian hoạt động mạnh tại thị trường TP.HCM nhiều năm qua cũng đang có kế hoạch chuyển hướng phát triển ra các tỉnh, thành khác.

Chẳng hạn, sau thành công với nhiều dự án tại TP.HCM, trong kế hoạch phát triển năm 2019, Công ty DRH Holdings cho biết, sẽ phát triển nhiều dự án tại Đồng Nai và Bình Thuận. Cụ thể, trong quý II/2019, DRH sẽ chính thức công bố Dự án Lạc Việt Resort 5 sao quy mô lên đến 74 ha tại Bình Thuận.

Hay như Công ty Hưng Lộc Phát, một doanh nghiệp lâu nay chỉ phát triển các dự án tại TP.HCM, nhưng vừa tiết lộ, đã chi hàng trăm tỷ đồng mua lại một dự án có quy mô 26 ha từ Công ty Việt Úc tại Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận), dự kiến trong năm 2019 sẽ triển khai thành một dự án nghỉ dưỡng.

Tương tự, Tập đoàn Bất động sản Danh Khôi cũng cho biết, trong năm 2019 sẽ triển khai một dự án có quy mô gần 30 ha tại Mũi Né và một dự án căn hộ tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa).

Ngoài những doanh nghiệp trên, hàng loạt doanh nghiệp khác như Công ty Eximrs, Công ty Asia New Time, Phúc Điền Land, Danh Khôi Việt… cũng đều có kế hoạch phát triển khá các dự án tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận thời gian tới.
 

Hình minh họa: DRH Holdings lấn sân sang bất động sản tỉnh với Dự án Lạc Việt Resort tại Bình Thuậ

Lạc quan nhưng thận trọng
Nhận định về xu hướng nhiều doanh nghiệp địa ốc tìm cơ hội đầu tư tại các thị trường ngách, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, đây là xu hướng tất yếu của thị trường. Xu hướng này xuất phát từ sự thay đổi lớn về nhu cầu cuộc sống, sựt bứt phá trong chính sách phát triển hạ tầng liên vùng, dẫn đến cơ hội phát triển của thị trường bất động sản không còn bị bó buộc ở những đô thị lớn, mà đã vượt ra khỏi ranh giới vùng miền.

Còn theo ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty DRH Holdings, sự tập trung của nhiều doanh nghiệp vào thị trường bất động sản các tỉnh bên cạnh yếu tố cơ hội, còn có yếu tố xuất phát từ thực tế, thị trường bất động sản TP.HCM đang bị bó buộc thủ tục, khiến nguồn cung bị tắc.

Mặt khác, so sánh về mặt bằng giá, hiện nay, giá bất động sản tại TP.HCM đã tăng khá mạnh và dự báo trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng cao do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở càng nhiều, trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, dẫn đến cơ hội đầu tư có nhiều rủi ro. Trong khi đó, bất động sản các thị trường ngách giá vẫn còn tương đối “mềm”, sự phát triển ngày càng mạnh hơn trong hệ thống hạ tầng kết nối, đã rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các địa phương.

“Tuy nhiên, không phải phân khúc bất động sản vùng ven nào cũng phát triển, mà sự phát triển này có sự chọn lọc, đòi hỏi cao sự chuyên nghiệp của các chủ đầu tư. Theo đó, những sản phẩm bất động sản mang yếu tố gắn với cảnh quan, sông nước, có thời gian di chuyển từ TP.HCM đến nơi dưới 2 giờ, đồng thời các khu vực có triển vọng phát triển việc kết nối giao thông dễ dàng, hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh”, ông Sơn nói.

Ông Sơn phân tích thêm, bất động sản thị trường ngách về cơ bản vẫn là thị trường dành cho các nhà đầu tư ở TP.HCM và có thể là Hà Nội, nơi những nhà đầu tư có xu hướng vừa đầu tư, vừa nghỉ dưỡng. Do vậy, dòng sản phẩm bất động sản gắn với cảnh quan mang yếu tố nghỉ dưỡng như biển, hồ, sông, núi sẽ hút khách. Các chủ doanh nghiệp có tiềm lực thật sự, đầu tư đúng nghĩa vào các dự án mang yếu tố trên khả năng thành công sẽ rất lớn.

Theo các chuyên gia bất động sản, không thể phủ nhận thị trường bất động sản tại các địa phương đang mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng không phải địa phương nào, khu vực nào cũng có cơ hội, mà còn tùy thuộc vào hàng loạt yếu tố khác. Bởi thực tế, so với thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, sức cầu của bất động sản vùng ven không bằng, mà chủ yếu tập trung vào đối tượng khách hàng có nhu cầu sở hữu căn nhà thứ 2 và giới đầu tư.

Ngoài ra, theo lo ngại của giới chuyên môn, doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn khi chuyển hướng kinh doanh về các tỉnh vùng ven. Khó khăn có thể đo đếm được là việc ra hàng và thời gian bán hàng có thể kéo dài. Sức mua bất động sản của thị trường tỉnh không mạnh và phần lớn vẫn là khách hàng đến từ TP.HCM, Hà Nội.

Hiện tượng nhiều doanh nghiệp đổ về tỉnh làm dự án khiến nguồn cung tăng đột biến trong khi sức tiêu thụ của thị trường tỉnh khó tăng mạnh trong ngắn hạn, nên dù có nhiều cơ hội, song doanh nghiệp cũng cần thận trọng, tính toán.
 
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Các tin liên quan
Các tin mới
  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland
Khu vực nội bộ

  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland