Thị trường bất động sản trông chờ chính sách được ban hành. |
“Nín thở” chờ hàng loạt chính sách được khai thông
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch của HoREA sẽ có hai kịch bản có thể xảy ra, tác động đến thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2024.
Thứ nhất là nếu được tiếp sức bằng việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024; đồng thời thông qua hai dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội. Tiếp đó, Chính phủ, các Bộ, ngành nhanh chóng ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật liên quan.
Khi hệ thống pháp luật trên bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của 148 dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhà đầu tư... Cần biết, vướng mắc pháp lý đang chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
Thứ hai là nếu Quốc hội không cho phép áp dụng sớm ba Luật trên từ 1/7/2024 thì sẽ khiến tiến trình phục hồi của thị trường chậm thêm khoảng 6 tháng.
Ngoài ra, nếu Quốc hội không thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở thì kể từ ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục không được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Như vậy, sẽ có khoảng 15% trong tổng số dự án nhà ở thương mại mà hầu hết là dự án quy mô diện tích lớn hoặc rất lớn dù phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án, do không đáp ứng quy định tại khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024.
“Nếu kịch bản thứ 2 xảy ra, sẽ dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản tiếp tục thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại và tiếp tục tình trạng “lệch pha” sản phẩm nhà ở, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền và tiếp tục tình trạng giá nhà bị đẩy lên cao hoặc “neo” giá cao, tác động bất lợi đến mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững”, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu đánh giá.
PGS-TS. Trần Kim Chung - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đưa ra dự báo: Kịch bản thứ nhất, trong trường hợp tất cả mọi yếu tố không có đột biến, thị trường vẫn tiếp tục xu thế đi lên, nhưng chậm chạp. Kịch bản thứ hai là, thị trường tăng trưởng mạnh mẽ khi có những cú hích.
Kịch bản thứ ba không ai mong muốn, nhưng vẫn có thể xảy ra, đó là thị trường bất động sản thoái trào trong trường hợp kinh tế thế giới rơi vào khó khăn, thương mại thế giới suy thoái, đầu tư nước ngoài suy giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước không phục hồi, dòng tiền đầu tư vào thị trường, đặc biệt là tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp thoái lui. Nhưng dù kịch bản nào, thì thị trường vẫn tốt hơn 2 năm trước.
"Trong 3 kịch bản này, tôi nghiêng về kịch bản thứ hai khi Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Văn bản pháp luật cao nhất liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản đã được ban hành. Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện nghị định hướng dẫn, cộng thêm quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, là cơ sở quan trọng để tin rằng, thị trường sẽ sớm phục hồi, ông Trần Kim Chung cho biết.
Theo ông Trần Kim Chung, thị trường bất động sản rơi vào suy thoái kể từ đầu quý II/2022, theo “quy luật 10 năm” thì thời gian suy thoái của thị trường vào khoảng 1,5-2 năm, đến quý II/2024 là vừa đủ 2 năm, thị trường sẽ đi vào ổn định và phát triển.
Động lực phát triển thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản sẽ sớm được phục hồi khi 4 luật được ban hành và áp dụng. |
Đối với nguồn vốn, ông Nguyễn Phó - Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, lãi suất cho vay một số ngân hàng có sự điều chỉnh theo hướng đi xuống, tăng trưởng tín dụng trở lại sau hai tháng đầu năm tăng trưởng âm. Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người mua ở trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện để dòng tiền tiếp tục chảy vào bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhấn mạnh, trong năm 2024, dòng tiền từ nước ngoài cũng sẽ “trợ lực” cho thị trường bất động sản. Trong năm 2023, FDI và kiều hối đổ vào Việt Nam lần lượt là 36,6 tỷ USD và 14 tỷ USD. Dự kiến FDI và kiều hối đổ vào Việt Nam trong năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023.
Bên cạnh đó, chính sách mới sẽ tạo tiền đề thuận lợi để nguồn vốn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn. Cụ thể, theo điều 44 Luật Đất đai 2024, người gốc Việt Nam ở nước ngoài được chuyển nhượng bất động sản (trước đây chỉ được giao quản lý nhà không sử dụng). Điều 80, Luật Nhà ở 2023 cho phép sự tham gia vốn nước ngoài và tổ chức nước ngoài trong phát triển nhà ở xã hội.
Yếu tố tiếp theo, về nền tảng chính sách, hành lang pháp lý từ các bộ luật mới dự kiến sẽ có tác động tích cực đến thị trường.
“Lần đầu tiên có 4 Luật gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua trong thời gian ngắn, giải quyết những điểm nghẽn”, ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn với 500 môi giới trong quý 1/2024 ghi nhận, cả chủ đầu tư, sàn giao dịch thị trường bất động sản, môi giới và người tiêu dùng đều đánh giá thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới với tỉ lệ lần lượt là 58%, 54% và 65%.
Chuyên gia cho biết mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản của người tiêu dùng tăng trưởng trở lại trong quý I/2024
Bên cạnh đó, chính sách đầu tư công cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản thời gian tới, đặc biệt là với các cơ sở hạ tầng trọng điểm trong năm 2024.
Trước đó, tốc độ giải ngân đầu tư công năm 2023 ghi nhận kết quả tích cực. Tính đến ngày 31/12/2023, vốn đầu tư công giải ngân đã đạt 568.136 tỷ đồng, tương đương 85,7% kế hoạch. Mục tiêu của năm 2024 sẽ đạt 657 nghìn tỷ đồng, ước đạt 95%.
Và cuối cùng là tâm lý thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản của người tiêu dùng tăng trưởng trở lại trong quý 1/2024. Người tiêu dùng có tâm lý tích cực hơn, nhờ chính sách tiền tệ cải thiện, dù giá bất động sản vẫn là quan ngại lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản dần quay trở lại, một số hoạt động kinh doanh được khởi động.
Dự báo từ quý II-VI/2024, đâu đó đang bước gần đến điểm đảo chiều. Tuy nhiên sau điểm đảo chiều bước sang giai đoạn tiếp theo là giai đoạn thăm dò, các loại hình ở thực như chung cư, nhà riêng tiếp tục tốt.
Sau đó, chúng ta bước sang giai đoạn nhạy cảm và giai đoạn củng cố. Đây là hai giai đoạn quan trọng, cần tiếp tục theo dõi thị trường, chính sách thúc được dòng tiền từ tài khoản ngân hàng, từ tiết kiệm người dân ra thị trường đầu tư. Theo dõi tiếp lãi suất quay về mức người dân sẵn sàng đi vay chưa.
Khi giải quyết được những yếu tố quan trọng đó thì thị trường mới bước sang giai đoạn khởi sắc. Dự đoán khởi sắc đầu năm 2025 đến cuối 2025 và ổn định đầu năm 2026.
Nguồn Baoxaydung.com.vn