Hình minh họa
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, các dự án phát triển BĐS mới được triển khai rất mạnh tại nhiều tỉnh trên cả nước như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương…
Do dân số tại các khu vực này chưa đông nên sản phẩm căn hộ chung cư phát triển chưa mạnh, sản phẩm chủ đạo tại các tỉnh là nhà đất và đất nền. Lượng cung mới tại các tỉnh ước đạt 100.000 sản phẩm, lượng giao dịch thành công đạt gần 50.000 sản phẩm.
Tỷ lệ hấp thụ bình quân tại các dự án ở các tỉnh trong năm 2018 đạt trên 60% lượng hàng mỗi đợt chào bán ra thị trường được đánh giá là tốt hơn so với năm 2017. Giá nhà đất tại các tỉnh trong năm 2018 có biến động tăng bình quân khoảng 10%.
Tại Bắc Ninh, do có khu công nghiệp Yên Phong, nơi nhiều doanh nghiệp lớn như nhà máy Samsung làm "cứ điểm", nên đất tại Tp.Bắc Ninh lên giá từng ngày. Giá của một lô đất nền 50 – 70m2 tương đương một căn hộ trong thành phố, nên vẫn là sản phẩm phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng tiêu dùng trong vùng.
Không chỉ các vùng có đất ăn theo hạ tầng mà mới đây, ngay đầu năm 2019, một số dự án vùng ven như Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc… các chủ đầu tư đã tạo song giá đất với những khoản chênh lệch lớn.
Theo các chuyên gia BĐS, xu hướng NĐT dịch chuyển về vùng ven đã bắt đầu gia tăng từ năm 2017, bùng nổ trong năm 2018 và được dự báo sẽ khốc liệt hơn trong năm 2019. Điều này, đẩy các NĐT và nhà phát triển BĐS buộc phải theo dòng chảy thị trường khi mà quỹ đất nội đô Hà Nội, Tp.HCM giá ngày càng tăng cao.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch GP.Invest, cho biết hiện quỹ đất nội thành Hà Nội không còn, trong khi đó, để ra một dự án phải mất thủ tục 3 – 4 năm. Dự đoán, năm 2019 sẽ là năm "bùng nổ" phát triển BĐS ở thị trường các tỉnh, không chỉ là các khu vực quen thuộc mà ở cả những thị trường chưa được khai phá trước đó.
Hình minh họa
Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng lớn cho rằng trong khi giá đất tại Hà Nội và Tp.HCM khan hiếm, giá lên cao, dư địa của phân khúc đất nền tại các tỉnh vùng ven còn rất lớn. Bên cạnh đó, một số địa phương có hạ tầng tương đối tốt và xây dựng nhiều khu công nghiệp, đây là điều kiện thuận lợi cho thị trường BĐS địa phương phát triển.
"Thị trường có dư địa phát triển nhưng NĐT cũng cần cân nhắc kỹ khi đầu tư, không nên dùng đòn bẩy tài chính khi thị trường tăng giá", đại diện doanh nghiệp này nói.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp quý IV thị trường BĐS mới đây, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhận định hiện tại, thị trường BĐS ở các tỉnh ven đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM đang phát triển khá tốt, chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền.
Giám đốc Sàn giao dịch BĐS AB Land tại Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết hiện đất nền các tỉnh lân cận Hà Nội tăng giá đáng kể so với một, hai năm trước. Tuy nhiên, mức độ giao dịch không đến độ tạo thành cơn sốt nên tình trạng sốt giá do lượng giao dịch nhiều là không có. Nếu giá có tăng cao bất thường đó là do chủ đầu tư hoặc "cò đất" tạo sóng.
Trước tình trạng đất nền ở một số dự án khu vực vùng ven tăng cao bất thường, có những lô đất chênh tới gần tỷ đồng, luật sư Bùi Sinh Quyền – Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội, cảnh báo người mua nhà nên thận trọng với những giao dịch BĐS kiểu này, bởi điều đó có thể tạo nên các rủi ro như khó đòi lại tiền nếu dự án gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Hơn nữa, nếu vì mục đích lách thuế của chủ đầu tư, cũng có thể tạo ra những rủi ro khác khi dự án bị thanh tra, người mua chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam, thời gian qua, phân khúc đất nền có tỷ lệ đầu tư, đầu cơ lớn và qua mỗi lần giao dịch, mức giá sản phẩm bị đẩy cao vượt giá trị thực cho nên khách mua hiện nay phần nào e dè và cẩn trọng hơn.
Như vậy có thể thấy, việc săn lùng đất nền vùng ven các thành phố lớn một mặt tạo ra giá trị gia tăng cao khi hiện nay giá cả còn rẻ. Nhưng mặt khác, một số chủ đầu tư và các "cò đất" thấy dòng tiền đang đổ về khu vực này đã tạo ra những đợt "sóng ảo" khiến thị trường BĐS thiếu tính ổn định.
Theo vtc.vn