Năm 2013, hai vợ chồng anh Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đầu tư một căn biệt thự diện tích trên 250 m2 tại khu vực Mỹ Đình 2, với giá gần 40 tỷ đồng. Căn biệt thự này có mặt tiền rộng, vị trí khá đẹp, nội thất đầy đủ.
Năm 2017, hai vợ chồng anh muốn bán biệt thự để đầu tư một số khu vực khác, nhưng khảo sát trên thị trường thì giá tăng không đáng kể, thậm chí còn có xu hướng giảm đi.
"Vài lần không bán được, chúng tôi phải cho một cơ sở kinh doanh spa thuê lại với giá 2.000 USD/tháng và chờ giá tăng. Nhưng mức giá ban đầu của biệt thự đã khá cao, nếu có tăng cũng không nhiều, chưa kể các dự án biệt thự, liền kề mới có hạ tầng tốt ở khu vực lân cận đang được chủ đầu tư bung hàng với diện tích linh hoạt. Người mua có nhiều lựa chọn hơn nên càng khó bán", anh Minh kể.
Lo chôn vốn
Từ 2010 trở lại đây, thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về nguồn cung với hàng chục dự án và hàng nghìn sản phẩm. Tuy nhiên, phân khúc này không phải lúc nào cũng mang lại giá trị sinh lời như mong đợi, thậm chí, tại nhiều khu vực còn giảm giá sâu, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.
Những nhà đầu tư bỏ vốn lớn vào dòng biệt thự nội đô để rồi mắc kẹt trong những sản phẩm bất động sản hàng chục tỷ không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, anh Minh vẫn là một trường hợp may mắn khi căn biệt thự dù chưa tăng giá, nhưng chưa phải cắt lỗ hàng tỷ đồng như nhiều nhà đầu tư khác.
"Trước đây, địa ốc khu vực phía tây tăng trưởng nóng do nhiều nhà đầu tư đón đầu quy hoạch, nhờ vậy giá đất liên tục bị đẩy cao. Nhưng trên thực tế, nhiều dự án lại thiếu hẳn các hạ tầng xã hội thiết yếu như chợ, trường học, trung tâm y tế, các dịch vụ giải trí... khiến những người có nhu cầu ở thực không mặn mà, còn nhà đầu tư "lướt sóng" thì rời bỏ thị trường do tính thanh khoản quá thấp. Khối lượng vốn của các nhà đầu tư đang "chôn" tại đây có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng", anh N. Hoàn, nhân viên một đại lý phân phối nhà đất khu vực Nam Từ Liêm nhận xét.
Khác với vợ chồng anh Minh, anh Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) đã rút dần các tài sản đầu tư khỏi phân khúc liền kề tại Hà Nội ngay từ 2015, chỉ giữ lại một dự án có khả năng tăng giá. Sau đó, nhà đầu tư này đã mua lại hai biệt thự tại dự án FLC Sầm Sơn với giá khoảng gần 7 tỷ đồng/căn, đã hoàn thiện cả nội thất và sân vườn. Mức giá này được đánh giá là "mua ba căn cũng chưa bằng một căn xây thô có diện tích tương tự tại nhiều dự án Hà Nội". Nhưng sau 3 năm, cả hai căn biệt thự đều có mức tăng từ 8-10%/năm và đem lại lợi nhuận lớn từ việc khai thác cho thuê.
"Hiện một căn biệt thự tại FLC Sầm Sơn cho thuê trung bình từ 7-9 triệu/đêm. Trong 6 tháng hè cao điểm, tối thiểu mỗi căn biệt thự của tôi đang mang về từ 450 - 550 triệu đồng", anh Tuấn nói.
Hấp lực từ du lịch
Theo nhận định của công ty tư vấn thị trường bất động sản DKRA Việt Nam, bất động sản gắn liền với đất sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh do loại hình này được người Việt ưa chuộng bởi tính ổn định và bền vững. Tuy nhiên, thay vì đầu tư vào đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, nhiều nhà đầu tư đất nền đang có xu hướng dịch chuyển sang các đô thị du lịch mới, sở hữu bờ biển đẹp như Hạ Long, Quy Nhơn, Thanh Hoá, Quảng Bình, Phú Quốc....
Giải thích về xu hướng này, chuyên gia bất động sản Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Think Big Group cho biết, những dự án đô thị ven biển có chi phí đất nền hợp lý kết hợp với tiềm năng du lịch, kinh tế, thương mại mạnh mẽ. Lợi nhuận đầu tư sẽ càng hấp dẫn hơn nữa nếu các dự án này có sự kết nối trực tiếp với những quần thể nghỉ dưỡng quy mô, thu hút lớn du khách.
Theo vị chuyên gia này, giai đoạn 2013 - 2015, giá bất động sản tại Sầm Sơn chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2, nhưng sau khi xuất hiện dự án FLC Sầm Sơn, giá đất nền tại đây đã tăng mạnh, hiện đã là vài chục triệu đồng/m2. Tình trạng này diễn ra tương tự tại Bình Định, khi giá đất tại khu vực Eo Gió - Nhơn Lý giai đoạn 2013-2014 chỉ tầm 2 triệu/m2. Khi có thông tin FLC đến đầu tư, giá đất tăng lên tầm 5 triệu đồng/m2 và sau hơn một năm, khi quần thể nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn chính thức đưa vào vận hành, nhiều khu vực đã tăng đến 18-20 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, như trong trường hợp của anh Tuấn, mức tăng giá đất nền chỉ là một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư, bởi lợi nhuận từ việc khai thác cho thuê thậm chí còn khả quan hơn nhờ mức tăng trưởng du lịch mạnh mẽ tại các thị trường tiềm năng. Và đây chính là nguồn thu nhập ổn định tạo nên sự khác biệt giữa biệt thự biển và các loại hình biệt thự nội đô.