Tin tức sự kiện

Tin tức thị trường

Share |

Hình dung về thành phố thông minh

Cập nhật 20-09-2018,11:34 AM

“Thành phố thông minh” đang là cụm từ được nhắc đến nhiều, đặc biệt, khi nó không chỉ là tên gọi mà đã trở thành mục tiêu cụ thể. Vậy, hình dung thế nào về thành phố thông minh trong tương lai.



Đòi hỏi từ thực tiễn

Mới đây, trong chia sẻ về thành phố thông minh, TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng có nêu: Trong bối cảnh hiện nay, thành phố thông minh phải gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh, tạo ra môi trường sống tiện nghi, thân thiện, bền vững.

Có thể hiểu, thành phố thông minh chỉ là một tên gọi khái quát, là cách định danh cho một hình mẫu đô thị hiện đại trong tương lai. Ở đó, yếu tố thông minh được đề cao, nhưng cũng không phải là duy nhất và tất cả.
Ngoài yếu tố thông minh, còn nhiều tiêu chí khác như môi trường cảnh quan, không gian xanh, thân thiện, bền vững với môi trường và đặc biệt là sự hài lòng và ứng xử giữa những người dân trong thành phố ấy.

Cả nước ta hiện có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5% (năm 2017). Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, được phát triển mở rộng về quy mô đất đai, dân số, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Các đô thị ngày càng khẳng định được vai trò trong việc tạo động lực phát triển kinh tế.

Mặc dù đã khẳng định được tầm quan trọng trong đóng góp chung cho cả nền kinh tế, nhưng các đô thị của Việt Nam vẫn ẩn chứa những nút thắt nội tại cần giải quyết.
Đó là sự thiếu đa dạng trong mô hình tăng trưởng đô thị; tài nguyên đất đai chưa được sử dụng hợp lý, hiệu quả; các dự án về nhà ở còn dàn trải; hạ tầng kỹ thuật khung đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến các điểm nghẽn chưa được tháo gỡ: ngập lụt, ách tắc giao thông.
Nhìn vào thực tế các đô thị tại Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, sự cần thiết của việc xây dựng các thành phố  thông minh, đô thị hiện đại đang là đòi hỏi cấp bách.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, sự phát triển của thị trường bất động sản nói chung và việc xây dựng các thành phố thông minh nói riêng sẽ góp phần tạo ra những đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế và an sinh xã hội của Việt Nam;

Góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và công tác thực hiện các chiến lược quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản; về phát triển đô thị, về du lịch, về tăng trưởng xanh…; đồng thời góp phần tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của các thị trường tài chính - chứng khoán, lao động, dịch vụ và nhiều ngành công nghiệp liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng…

 
Hình dung về thành phố thông minh
Thành phố thông minh thực sự chưa hiện hữu ở Việt Nam, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản từ các quan điểm của nhiều chuyên gia, một thành phố thông minh thực sự phải là một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể hành xử thông minh như con người,

Gồm mạng viễn thông số (dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức) để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo TS. Lê Văn Hoạt, Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội:
“Sự hình thành không gian sống văn minh, nhất là ở đô thị phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố: nhân tố kinh tế - kỹ thuật (đầu tư xây dựng nhà cửa, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội), nhân tố văn hóa – xã hội (phong tục, tập quán, các thiết chế văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng cư dân), nhân tố tổ chức - hành chính - pháp lý (tổ chức các đơn vị dân cư, quản lý dân cư, các thiết chế hành chính, pháp lý).
Trong đó, nhân tố kinh tế - kỹ thuật có vai trò rất quan trọng và là tiền đề cho việc tạo dựng một không gian sống văn minh”.

Trong hội thảo về phát triển thành phố thông minh tại Hà Nội, ông NG LYE HOCK, LARY, Giám đốc Phát triển Kiến trúc và Thiết kế đô thị, Cục Tái thiết Phát triển đô thị, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore cho biết:
“Kinh nghiệm của chúng tôi là đảm bảo không để xảy ra tắc nghẽn giao thông, phi tập trung hóa dân số và trải đều ở các khu vực trong cả nước. Mặt khác, dành những diện tích nhất định để tạo ra các không gian cho ý tưởng kiến trúc, các khu vực để phát triển công nghệ thông tin, giáo dục…”.

Đặc biệt, theo ông NG LYE HOCK, LARY, phải tạo sự kết nối giữa các khu vực.
Hiện tại, Singapore có tới 360 km đường tàu điện ngầm và nước này đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 8/10 người có thể đi bộ từ nhà đến ga tàu trong khoảng 8 - 10 phút, tức là tăng tối đa khả năng kết nối về mặt giao thông cho người dân.

Kinh nghiệm thành công của Singapore và nhiều quốc gia đi trước khi phát triển đô thị đó là tính toán tốt về biến động dân số, giải quyết bài toán về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tạo nên các điểm gom dân, từ đó việc đầu tư hạ tầng tiết kiệm và hiệu quả hơn. 



Thành phố thông minh: nơi người dân hạnh phúc
Chia sẻ tại IREC 2018 về thành phố thông minh, Ông Mahmound Al Bruai từ Dubai – Giám đốc điều hành, Viện Bất động sản Dubai, Dubailand, UAE cho biết, đô thị hạnh phúc nghĩa là con người hạnh phúc.
Người dân muốn đô thị của mình như thế nào thì thành phố ấy sẽ trở nên như thế. Người dân muốn đô thị thông minh, hạnh phúc thì người dân phải thông minh, hạnh phúc.

Chúng ta không thể quên vai trò của người dân. Chúng ta xây dựng đô thị cho người dân của mình chứ không phải cho xe hơi, hay những thứ khác.
Một quan điểm không phải quá mới mẻ, nhưng dường như cách tiếp cận vấn đề lại có khá nhiều sự khác biệt.
Thực tế, lâu nay khi nói về các đô thị thông minh, các thành phố hiện đại ở Việt Nam, chúng ta hay nói nhiều hơn về công năng của công trình, dự án chứ đề cập đến “hạt nhân” của đô thị là con người và những yếu tố mềm, những vấn đề mang tính cảm xúc, trải nghiệm người dân lại rất ít ỏi.

Jan Gelh, tác giả cuốn sách "Cities for People" từng viết: “Hãy xây dựng các thành phố cho con người, vì con người. Tôi cho rằng, đó chính là cốt lõi của các đô thị hạnh phúc”.
Đây cũng là lý do mà các chuyên gia cho rằng không chỉ với thành phố thông minh, mà ngay trong câu chuyện phát triển đô thị, chúng ta phải dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng nhưng đồng thời cũng phải lưu ý đến môi trường và giữ gìn môi trường.

“Thành tố môi trường, môi trường tự nhiên cũng tác động đến chỉ số hạnh phúc. Quản trị tốt các ngành, các cấp cũng tác động lớn đến sự hạnh phúc của người dân”, ông Mahmound Al Bruai nhấn mạnh.
Cũng cùng quan điểm khi đánh giá về yếu tố hạt nhân của thành phố thông minh, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết:

“Để kiến tạo thành phố thông minh, tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội cần có sự chung tay của các cấp, ngành, các doanh nghiệp và cả người dân. Một thành phố chỉ được coi là thành phố thông minh, thành phố văn minh khi các công dân trở thành công dân thông minh, công dân điện tử”.
 
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Các tin liên quan
Các tin mới
  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland
Khu vực nội bộ

  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland