Hành trình “thay máu” marketing
Cách mạng công nghiệp 4.0 hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của Chính phủ Đức vào năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.
Để hiểu một cách đơn giản, nếu cách mạng công nghiệp 1.0 sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, cách cách mạng 2.0 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt, cách mạng 3.0 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất, thì cách mạng lần 4 nảy nở từ cuộc cách mạng thứ 3, kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Tuy nhiên, so với 3 cuộc cách mạng trước đây, cách mạng 4.0 tiến triển với tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn, sâu rộng, phá vỡ cấu trúc ngành công nghiệp ở mọi quốc gia và đặc biệt là nó tạo ra một sự thay đổi lớn trong thói quen, hành vi của người tiêu dùng hiện nay.
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi sự xuất hiện của Internet of Things (vạn vật kết nối), điện toán đám mây, Big Data, hay AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain…, đang chuyển đổi mọi thứ từ thế giới thực sang thế giới số, từ sự mong đợi của khách hàng cho đến cách con người sống, làm việc, giải trí và học tập, cũng như các mối quan hệ trong xã hội.
Sự thay đổi quá nhanh, quá mạnh mang tính chất "chưa từng có trong tiền lệ" khi tất cả đều được số hóa khiến cho mọi khái niệm, mọi định nghĩa về kinh doanh, truyền thông bị phá vỡ, đặc biệt là câu chuyện về hoạt động marketing hay những thứ vận động xung quanh nó. Theo đó, nó tự "lột xác", mở rộng nội hàm thành những chuỗi hoạt động đa chiều, đa nền tảng, thông qua các sản phẩm công nghệ cao tác động tới cảm xúc của người sử dụng, đồng thời khơi dậy nhu cầu tiềm ẩn hướng tới những sản phẩm.
Marketing bất động sản 4.0 - Hòa nhập không hòa tan
Một chiếc kính có thể rút ngắn cả không gian, thời gian để trải nghiệm thực tế căn nhà ước mơ; một phần mềm có thể trả lời và chăm sóc khách hàng chuẩn chỉ thay người thực; hay một công cụ có thể phân tích đánh giá chính xác những hành vi, thói quen từ đó tư vấn ra những sản phẩm mà khách hàng có thể nên dùng... Đó không còn là giả tưởng mà đã trở thành thực tế và ngày càng lan rộng với sự xuất hiện của công nghệ thực tế ảo VR, của chatbots, hay của Big Data, ERP...
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến cuộc cạnh tranh trên thị trường bất động sản, trong đó marketing không chỉ vận động để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, mà phải thay đổi mạnh mẽ để hiểu rõ tâm lý, theo kịp nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của khách hàng.
Làm bất động sản thời 4.0: Dùng VR để giới thiệu nhà mẫu, bắt mạch khách hàng từ các comment, mở bán nhà bằng livestream...
Một dấu ấn đáng chú ý khác của marketing bất động sản 4.0 chính là sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Chỉ trong một thời gian ngắn, số người dùng Facebook ở Việt Nam đã lên vị trí thứ 7 toàn cầu, số người sử dụng mạng xã hội này chiếm khoảng 50% dân số toàn quốc với thời gian sử dụng theo số liệu thống kê không chính thức lên tới vài giờ mỗi ngày. Và gần như tất cả hoạt động của người sử dụng đều đã được lưu vấn trên Big Data và trở thành nguồn dữ liệu khổng lồ phục vụ cho hoạt động phân tích thị trường và xây dựng sản phẩm cho bất động sản.
Đã từng có thời thị trường kinh ngạc trước chuỗi dự án giá rẻ của một đại gia bất động sản, chẳng cần truyền thông mà hàng vẫn “đắt như tôm tươi”, thanh khoản đồn đoán lên đến hàng chục nghìn căn hộ mỗi năm. Tuy nhiên, nhìn lại thị trường ngày hôm nay, tất cả đều phải thừa nhận, “luật chơi” đã thay đổi rất nhiều, khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, nhu cầu khách hàng được nâng cao, những hạn chế của các dự án trong quá khứ được bộc lộ, người mua cần một trải nghiệm sâu sắc để quyết định và chủ đầu tư cần đưa ra những “cú áp phe” mạnh hơn để thuyết phục khách hàng xuống tiền.
Thực tế, trước đây, trong giai đoạn sơ khai của thị trường, nguyên tắc 4P trong bất động sản, thì yếu tố P - Promotion (xúc tiến thương mại hay truyền thông) thậm chí chưa sử dụng tới khi ra mắt sản phẩm. Tuy nhiên, khi thị trường trải qua khủng hoảng “bong bóng”, rồi bước vào thời kỳ “đóng băng”, các chủ đầu tư bất động sản bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc tiếp thị. Cùng với sự phát triển của marketing từ 1.0 đến 4.0, thì marketing trong bất động sản đã được khai thác hiệu quả và triệt để hơn.
Trong 10 năm trở lại đây (2008 - 2018), xu hướng marketing đã chuyển dịch từ marketing 4P sang marketing 4C với 4 yếu tố chính, bao gồm: Co-creation (trải nghiệm cộng đồng), Currency (định giá linh hoạt), Community (Kích hoạt cộng đồng) và cuối cùng là Conversation (Thảo luận). Với sự đòi hỏi cao hơn, đa dạng hơn, theo đó các doanh nghiệp bất động sản cũng phải chủ động sáng tạo hơn trên con đường thực hiện các chiến dịch marketing cho sản phẩm của mình.
Mặc dù xu hướng marketing mới đã được xác lập, nhưng hiện nay, hoạt động này chỉ đang được chú ý đúng mức ở các tập đoàn, doanh nghiệp ở top đầu thị trường. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới tham gia thị trường với các dự án đầu tay vẫn đặt marketing ở vị trí thứ yếu, bởi lo ngại gánh nặng chi phí. Bài học nhãn tiền có thể xảy ra chính là tốc độ thanh khoản chậm và uy tín chủ đầu tư bị ảnh hưởng về sau, sự “trả giá” này có lẽ còn đắt đỏ hơn chi phí cho hoạt động marketing.
Tuy rằng, hiệu quả của các xu hướng marketing 4.0 được áp dụng trong bất động sản là không thể phủ nhận, nhưng các xu hướng đó cũng không thể nào rũ bỏ và thay thế hoàn toàn các kênh truyền thông truyền thống. Marketing hiện đại cần sự linh hoạt để hòa nhập nhưng không bị hòa tan. Thay vì phó mặc tất cả vào các công cụ và xu hướng này, vẫn rất cần một chiến lược marketing tích hợp.
Trong đó, các hoạt động trade marketing là không thể thiếu vắng, đặc biệt là trong ngành bất động sản với những đặc thù riêng. Thời đại công nghệ, quảng cáo có thể bắt gặp mọi lúc - mọi nơi, khi xem truyền hình, đang lướt web, mạng xã hội… đều có thể vô tình “đụng mặt” quảng cáo. Điều này lặp đi lặp lại quá nhiều đôi khi gây phản ứng ngược, khách hàng lãnh cảm, thờ ơ và thậm chí là khó chịu với quảng cáo như một phản xạ vô điều kiện. Do đó, marketing 4.0 nói chung và marketing bất động sản nói riêng rất cần sự cải thiện và thay đổi để thu hút khách hàng.
Với yêu cầu này, đòi hỏi nội dung truyền tải (content marketing) cũng cần làm mới mình, thoát ra khỏi những chiếc bóng cũ kỹ. Điều cần thiết trong content marketing bất động sản là phải tạo nên những thông điệp ý nghĩa, chạm đến cảm xúc, nhận thức của khách hàng.
Mặc dù bản chất vẫn là quảng cáo, nhưng content hay sẽ đóng vai trò như những “chiếc lá ngụy trang” khiến người xem, người đọc có cảm giác họ đang được chia sẻ một thông tin hữu ích. Từ đó, hiệu quả sẽ cải thiện hơn rất nhiều so với cách quảng cáo một cách quá tải với nội dung nhàm chán và lộ liễu như trước đây.
Như vậy, để marketing bất động sản có thể chuyển mình để bắt kịp thời đại 4.0 có nghĩa rằng - kênh, công cụ không phải là tất cả mà còn cần sự thay đổi từ chính những tư duy đổi mới về cách làm và nội dung.