Dịp Tết Kỷ Hợi năm nay, người lao động được nghỉ 9 ngày, bắt đầu từ ngày 2/2 - 10/2/2019, tức từ 28 tháng Chạp năm Mậu Tuất, đến mồng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi.
Từ ngày 11/2, tức mồng 7 Âm lịch, đồng loạt cơ quan, doanh nghiệp đã trở lại làm việc. Tuy nhiên, một số công ty kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP.HCM, qua ngày Rằm tháng Giêng (19/2/2019) mới có lác đác vài doanh nghiệp mở cửa.
Anh Nguyễn Ngọc Anh, giám đốc một sàn giao dịch tại quận 9 (TP.HCM) cho biết, ngày mùng 6 Tết, công ty đã xông đất và khai Xuân, có tổ chức tiệc nhẹ cho nhân viên gặp mặt đầu năm, rồi lại nghỉ tiếp.
“Chỉ có một số môi giới hẹn đã chốt được khách trong năm đến văn phòng để đặt cọc, thực hiện các thủ tục lấy ngày, gọi là mở hàng đầu năm để lấy hên. Sau đó, anh em lại nghỉ đến hết Rằm mới làm việc trở lại”, anh Ngọc Anh nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại một số dự án trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 (khu Đông Sài Gòn), nhiều công trình đã bắt đầu tiến hành thi công trở lại, nhưng số lượng công nhân rất thưa thớt, nhân viên kinh doanh trực tại dự án cũng chỉ có một vài người.
Chị Trần Thu Hương, một môi giới tại quận 2 (TP.HCM) cho biết, những người làm kinh doanh, đặc biệt là bất động sản, thường xuyên đi lễ chùa dịp đầu năm. Do đó, nhân viên kinh doanh cũng nghỉ Tết dài hơn thường lệ.
“Mới Tết xong, người mua nhà để ở hay khách đầu tư cũng chưa mặn mà mua. Do vậy, nhiều anh chị em quê ở xa vẫn chưa đi làm trở lại. Những ngày này, công ty chỉ cắt cử một vài người thay nhau trực dự án, còn lại hầu hết là đi lễ chùa và chúc Tết khách hàng. Việc triển khai các công việc kinh doanh phải đến cuối tháng mới bắt đầu”, chị Hương nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phú, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn quận 9 cho biết, môi giới địa ốc năm nay có kỳ nghỉ Tết khá dài. Bởi từ thời điểm trước Tết gần 1 tháng, đã có nhiều môi giới về quê sớm vì không có hàng để bán. Hơn nữa, mới Tết xong cũng chưa có thêm dự án mới nào ra mắt.
“Nhiều khả năng quý I là thời điểm trầm lắng của thị trường địa ốc. Sau 'giấc ngủ' này, thị trường sẽ khởi động và lấy đà tăng tốc để tiếp tục vượt khó trong năm 2019”, ông Phú nói và cho biết thêm, sau Tết, dòng tiền nhàn rỗi của khách hàng thường chảy mạnh vào ngân hàng. Bởi nhiều người vẫn quan niệm rằng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” và đầu năm chưa vội đầu tư, nên việc chọn ngân hàng để giữ hộ tiền nhàn rỗi được coi là hợp lý. Với mức lãi suất tiền gửi ngắn hạn từ 5 tháng trở xuống hiện ở mức tới 5,5%/năm, người gửi tiền có thể linh hoạt với đồng vốn khi có nhu cầu đầu tư.
Để thu hút nguồn vốn này, các ngân hàng đang cạnh tranh nhau về lãi suất. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn có quà tặng, lì xì đầu năm cho khách gửi tiền.
Theo ghi nhận trực tiếp tại các ngân hàng trong những ngày sau Tết Nguyên đán của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, phòng giao dịch lúc nào cũng kín người và việc khách hàng phải lấy số xếp hàng chờ đến lượt không phải chuyện hiếm.
Cụ thể, tại trụ sở của Ngân hàng Bản Việt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM), lượng khách hàng tăng gấp 2 - 3 lần sao với ngày thường. Một nhân viên của nhà băng này cho biết, khách hàng đến đây chủ yếu là gửi tiền, vì lãi suất của ngân hàng này vừa được điều chỉnh tăng thêm.
Tại một điểm giao dịch của Vietcombank trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM), lượng khách hàng đến nộp tiền vào tài khoản và gửi tiết kiệm trong thời điểm sau Tết Kỷ Hợi 2019 cũng tăng khá mạnh.
Đại diện một ngân hàng cho hay, lượng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng trong tuần đầu Tết Kỷ Hợi tăng khoảng 10 - 15% so với ngày giao dịch bình thường