"Cậu có đầu tư chứng khoán không?". Đó là câu cửa miệng của ông Tài, tài xế xe công nghệ ở TP HCM, khi tán gẫu với những vị khách. Và không đợi câu trả lời, người đàn ông gần 50 tuổi này đã vội khuyên khách nên mở tài khoản ngay để lướt kịp những cổ phiếu ở "chân sóng".
Cách nói vanh vách diễn biến giá của nhiều mã chứng khoán khiến người đối diện khó tin ông mới tham gia thị trường từ tháng 8/2020. Ông Tài cho biết, những ngày đầu cũng dè dặt giải ngân, mỗi lệnh chỉ mua vài chục cổ phiếu nhưng sau đó tăng dần lên hàng trăm rồi hàng nghìn.
Ban đầu, nguyên tắc bán chốt lời khi trên 15% hoặc cắt lỗ lúc vượt 5% được ông nới thành 20% và 10%. "Bây giờ không còn nguyên tắc nào hết, bởi đây là giai đoạn thị trường cho phép gồng lãi. Cả tháng qua, tôi chưa bán một cổ phiếu nào, bao giờ giảm một tí thì tính tiếp", ông nói.
Nhịp sống hàng ngày của ông Tài cũng thay đổi từ khi rót tiền vào chứng khoán. Ông dành hết buổi sáng đọc bình luận trên các diễn đàn và báo cáo phân tích của những công ty chứng khoán. Ông tự lọc, đối chiếu lại thông tin với môi giới trước khi mua bán. Lúc thị trường chứng khoán đóng cửa, ông mới mở ứng dụng để tìm khách và bắt đầu một ngày làm việc.
Thu nhập chạy xe trong vòng nửa năm, ông Tài nhẩm tính, chưa bằng khoản lãi 50 triệu thu được từ chứng khoán. Điều này thôi thúc ông dùng phần lớn tiền tiết kiệm, sắp tới là một khoản hụi 30 triệu đồng, để nạp thêm vào tài khoản.
Chính những giao dịch đã và sắp thực hiện của ông Tài đều góp phần giúp thanh khoản thị trường liên tục phá vỡ kỷ lục cũ thời gian gần đây.
Thống kê của cho thấy, giá trị giao dịch cổ phiếu trên sàn TP HCM trong nửa tháng đầu năm nay lên đến 173.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cả tháng 1/2020. Mặt bằng thanh khoản mỗi phiên cũng được đẩy lên khoảng 14.000 tỷ đồng, cá biệt một số phiên xấp xỉ 19.000 tỷ đồng. Con số thực tế có thể cao hơn nếu hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM không thường xuyên rơi vào tình trạng nghẽn lệnh từ phiên chiều.
Không chỉ ông Tài, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư F0 khác cũng đang lao vào đầu tư chứng khoán khi chứng kiến thị trường liên tục đi lên. Ông Nguyễn Đức Phúc – Phó giám đốc chi nhánh Sài Gòn, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, vài tháng trở lại đây đã gặp rất nhiều nhà đầu tư đang chếnh choáng trong men say chiến thắng như ông Tài. Những nhà đầu tư này không chỉ là cá nhân mà còn bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp trước đây gửi gắm tiền mặt vào trái phiếu Chính phủ nhưng nay đã dịch chuyển vì lãi suất thấp.
Điểm chung của họ là mới tham gia thị trường, kiến thức đầu tư gần như bằng không nhưng bù lại có nhiều tiền nhàn rỗi và luôn trong trạng thái sẵn sàng giải ngân. Tuy nhiên, theo ông Phúc, những nhà đầu tư này thường mắc một lỗi sai phổ biến là luôn kỳ vọng tỷ suất sinh lời ngày càng cao mà bỏ quên khả năng thị trường đảo chiều.
Khi lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp thì tâm lý "mua là lãi" đang trở thành lực hút dòng tiền chảy vào chứng khoán. Chính điều này khiến dự đoán của các công ty chứng khoán nhanh chóng lỗi thời, buộc thông tin phải được điều chỉnh liên tục.
Ông Lê Quang Minh – Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, từ nửa cuối 2020 đến nay, bộ phận phân tích phải làm việc cật lực, không có ngày cuối tuần chỉ để cập nhật lại thông tin. Nhiều báo cáo phân tích doanh nghiệp đưa ra giá mục tiêu cho một năm tới nhưng mất 2-3 tuần đã chạm, thậm chí vượt xa.
Điển hình như trường hợp của Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM). Trong vòng 5 tháng, Mirae Asset đã 4 lần công bố báo cáo về doanh nghiệp này. Ở báo cáo đầu tiên vào giữa năm, nhóm phân tích đề xuất giá mục tiêu là 22.800 đồng, cao hơn 14% so với lúc đó. Tuy nhiên, đà tăng phi mã của TCM khiến nhóm phân tích liên tục tăng giá mục tiêu lên 27.000 đồng, 38.100 đồng và gần nhất là 59.500 đồng kèm khuyến nghị tăng tỷ trọng. Đóng cửa phiên cuối tuần trước, cổ phiếu lại vượt giá mục tiêu để lên 65.100 đồng.
Những cổ phiếu tăng trưởng nóng như vậy, theo ông Phúc, thường bắt nguồn từ việc những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đánh giá rủi ro thị trường, đã quyết liệt bơm "tiền tươi thóc thật".
Trong khi đó, phần đông những ai tham gia chứng khoán giai đoạn trước 2020 lại rất cẩn trọng với đợt sóng gần đây. Ông Phúc lý giải, nhà đầu tư có thâm niên thường dùng margin lớn và nhìn vào động thái của khối ngoại để đoán định xu hướng thị trường. Trong bối cảnh khối ngoại vẫn rút vốn thì họ ưu tiên hiện thực hoá lợi nhuận, hạn chế mua đuổi khi mạch tăng đã kéo dài hơn nửa năm.
"Nhiều người hỏi tôi lúc này nên đầu tư thêm không? Tôi chỉ nói: nghỉ ngơi ăn Tết thôi", ông Phúc chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Võ Công Minh – Giám đốc kinh doanh Khối Khách hàng cá nhân, Công ty TNHH Chứng khoán ACBS thừa nhận không quá hào hứng với diễn biến hiện tại dù "người người nhà nhà" vẫn rót tiền và đua nhau khoe lãi.
Ông Minh cho biết không mua bán dồn dập, cũng không đi theo những con sóng ngân hàng và bất động sản mà cơ cấu danh mục về những cổ phiếu phòng thủ, nhất là nhóm hàng tiêu dùng để tránh rủi ro nếu thị trường đảo chiều.
"Thị trường vận động theo quy tắc quả banh lông, lên nhanh thì phải xuống nhanh nên ai từng chịu những cú sốc trong quá khứ sẽ dè chừng. Còn người mới thường sẽ sung mãn vì họ chưa qua những đợt điều chỉnh, tài khoản chưa đỏ nên chưa biết sợ hãi", ông Minh nói.
Chuyên gia này cho rằng VN-Index vẫn còn dư địa tăng nhưng khả năng rất lớn phải trải qua một đợt điều chỉnh mạnh để tạo mặt bằng giá mới. Cá nhân ông và những đồng nghiệp theo dõi thị trường gần 20 năm tuy ít mua bán nhưng vẫn theo sát diễn biến, chờ điểm rơi, sau đó xác nhận xu hướng rõ ràng mới tham gia lại.