Tin tức sự kiện

Tin tức thị trường

Share |

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xác định được giá trị thương hiệu

Cập nhật 10-07-2017,09:04 AM
Thương hiệu được coi là giá trị cốt tủy của doanh nghiệp, có thương hiệu trị giá 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, việc xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu vẫn còn bỏ ngỏ.

Hình minh họa

Đây là đánh giá của nhiều diễn giả tại hội thảo “Xây dựng- phát triển- định giá thương hiệu doanh nghiệp” diễn ra tuần qua.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh (Bộ tài chính) cho biết, xây dựng, phát triển và định giá đúng giá trị thương hiệu là nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp nhà nước được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao, tạo được uy tín trên trường quốc tế.

Theo các bảng xếp hạng, Việt Nam hiện đã có khá nhiều thương hiệu xuất hiện trong top thương hiệu hàng đầu thế giới. Ví dụ, VietinBank đã có bước tiến ngoạn mục khi vươn lên Top 400 Thương hiệu ngân hàng toàn cầu với giá trị thương hiệu đạt 249 triệu USD năm 2016, theo đánh giá của Công ty Tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance. Hay Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đạt 2,686 tỷ USD; giá trị của Vinaphone là 1,04 tỷ USD; Mobiphone là 391 triệu USD.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xác định được giá trị thương hiệu, hoặc xác định chưa đầy đủ gây nên những trở ngại không đáng có trong quá trình phát triển. 

“Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa, nhất là giai đoạn tới sẽ cổ phần hóa nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn. Doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập... Thậm chí, các đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thẩm định giá vẫn còn lúng túng trong việc xác định giá trị thương hiệu...”, ông Tiến nhận xét.

Cùng quan điểm này, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc điều hành Mibrand cho biết, giá trị thương hiệu vẫn chưa được đo lường đúng dẫn đến thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi “xuất ngoại” vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới có thể vào được thị trường quốc tế. Và đương nhiên, các doanh nghiệp Việt “xuất ngoại” phải mượn danh này sẽ thiệt thòi đủ đường.
 
Hình minh họa

Mặt khác, doanh nghiệp mạnh tay chi bạo để xây dựng thương hiệu, nhưng lại không xác định được giá trị của tài sản vô hình này nên rơi vào tình cảnh “ném tiền qua cửa sổ”.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên theo ông Tiến là do các quy định pháp luật tại Việt Nam về vấn đề này chưa đầy đủ theo thông lệ quốc tế, dù tài sản vô hình nói chung hay thương hiệu nói riêng đã được ghi nhận trên các báo cáo tài chính.

Ở khía cạnh pháp lý, theo ý kiến của một doanh nghiệp, giữa các văn bản vẫn chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá. Từ Nghị định 109/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đến Nghị định 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đều xác định “lợi thế kinh doanh” bao gồm cả “giá trị thương hiệu”. Điều này lại không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04, “giá trị thương hiệu” hay “nhãn hiệu hàng hóa” được coi là tài sản cố định vô hình. 

Như vậy, cho đến nay, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu đối với các doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta đến nay vẫn còn là một khoảng trống bỏ ngỏ.
Theo http://www.baohaiquan.vn
Các tin liên quan
Các tin mới
  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland
Khu vực nội bộ

  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland