Tin tức sự kiện

Tin tức thị trường

Share |

“Ghế nóng” ban quản trị chung cư: Người muốn buông, kẻ cố giữ

Cập nhật 11-07-2019,08:00 AM

Ban quản trị chung cư được bầu lên với sự đồng thuận của cư dân. Họ hoạt động không lương và tự nguyện vì công việc chung, trong đó có vai trò quản lý, vận hành mọi hoạt động chung cư. Thế nhưng cũng có không ít người nhòm ngó chiếc ghế ban quản trị chỉ vì lợi ích cá nhân.


Hình minh họa

Ban quản trị không vì dân
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cứ 10 chung cư thì sẽ có một chung cư xảy ra tranh chấp. Ban quản trị là một trong những đầu mối của nhiều cuộc xung đột. Trong khi tại nhiều chung cư, cư dân phải đấu tranh trầy trật để được tổ chức bầu quan quản trị thì cũng có không ít chung cư khác, cư dân đang khóc ròng vì những người mình tin tưởng bầu ra.

Trong năm 2018, hàng trăm cư dân tại chung cư Văn Phú Victoria (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) đã có đơn thư cầu cứu cơ quan chức năng với mong muốn được tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại ban quản trị.

Theo cư dân tại đây, cuối năm 2016 hội nghị nhà chung cư lần đầu được tổ chức thành công và bầu ra ban quản trị với năm thành viên. Chủ đầu tư sau đó cũng đã bàn giao hơn 40 tỉ đồng phí bảo trì cho ban quản trị. Tuy nhiên, sau hơn một năm được thành lập và đi vào hoạt động, cư dân phản ánh ban quản trị có nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi chung của cư dân.

Tại TP.HCM, câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra tại chung cư Bàu Cát II (quận Tân Bình). Theo cư dân sinh sống tại lô A chung cư Bàu Cát 2, ban quản trị đã không công khai minh bạch thu chi liên quan đến khoản phí bảo trì của chung cư.

Đó là tiền của cư dân đóng góp, nhưng thu chi như thế nào thì cư dân không thể nắm vì không có kê khai, không có báo cáo nào từ ban quản trị. Thậm chí, ban quản trị tự ý đề xuất mức lương, thay đổi bảo vệ chung cư, xây dựng nhà xe thông minh với chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng lại không thông qua ý kiến của cư dân, không tổ chức đấu thầu. Quá bức xúc với cách làm việc của ban quản trị, cư dân nơi đây đã gửi đơn tố cáo lên các cấp chính quyền TP.HCM.

Một chung cư khác tại quận 12 cũng gặp cảnh tương tự. Cư dân ở đây cũng nhiều lần tố ban quan trị có những vi phạm nghiêm trọng về tài chính, thu chi không minh bạch, chi nhiều khoản tiền lớn nhưng không lấy ý kiến cư dân, không thông báo bằng văn bản theo quy định. Thậm chí, cư dân còn làm đơn để bãi nhiệm những người chính họ tin tưởng bầu lên trước đó.
 

Hình minh họa

Người muốn buông, kẻ cố giữ
Anh Huy, trưởng ban đại diện của một chung cư tại quận Thủ Đức, chia sẻ làm ban quản trị chung cư cũng giống như làm dâu trăm họ. Họ không được trả lương, hoạt động trên tinh thần tự nguyện vì công việc chung của cả chung cư. Thế nhưng, không ít lần anh bị cư dân lôi ra mắng xối xả chỉ vì một việc gì đó không ưng ý họ. Đặc biệt, đụng việc gì liên quan đến tiền bạc là cư dân phản ứng, thậm chí có người cho rằng ban quản trị cố tình để thu lợi riêng.

“Hàng xóm cãi nhau cũng kéo lên ban quản trị, có nhà nuôi chó để phóng uế bừa bãi khi ban quản trị nhắc nhở thì họ lớn tiếng kêu mình làm khó, rồi xả rác bừa bãi, hát karaoke ồn ào đủ thứ chuyện khiến mình cũng ngán, chỉ muốn nghỉ cho khoẻ”, anh Huy nói.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho rằng nhiều người khi được bầu làm ban quản trị trong hội nghị nhà chung cư đều “rất sung”, nhưng chỉ 2 – 3 tháng sau đều xìu hết.
Theo ông Phúc, ban quản trị cũng là những cư dân được hội nghị nhà chung cư bầu lên. Họ không được đào tạo để làm ban quản trị nên không có kinh nghiệm quản lý, vận hành, cũng như thiếu am hiểu về pháp luật. Do đó, để đòi hỏi ban quản trị phải hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ là điều không thể.

Mặt khác, có không ít cư dân không đồng cảm mà luôn gây khó dễ, cố tình kiếm chuyện với ban quản trị. Họ chỉ vì mục đích, lợi ích nhỏ cá nhân mà thường đưa ra những đòi hỏi quá cao, thậm chí phi lý đối với ban quản trị chung cư.

Ông Phúc cũng cho biết, một số cư dân cố tình vào ban quản trị để đạt được mục đích cá nhân nhưng số này chiếm rất nhỏ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng đồng quan điểm, cho biết có tình trạng một số cá nhân tìm mọi cách để được ngồi vào ghế ban quản trị, với đích nhắm chính là thao túng được khoản kinh phí bảo trì ở các chung cư.

Theo ông Châu, khoản kinh phí bảo trì đối với chung cư cao 20 tầng cũng khoảng vài chục tỉ đồng, thậm chí chung cư cao cấp thì có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng. Đây cũng là một cám dỗ đối với không ít người muốn vào để thao túng được khoản tiền này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng các khách hàng khi mua căn hộ thường quan tâm đến chất lượng dự án, dịch vụ được cung cấp tốt hay không. Tuy nhiên, để họ dành thời gian tham gia vào ban quản trị hay giám sát các hoạt động của chung cư thì hầu như chẳng ai muốn tham gia.

Theo bà Hương, trên thực tế không phải ban quản trị nào cũng có thể đảm nhận tốt việc vận hanh chung cư. Do đó, không ít chủ đầu tư muốn được tham gia vào ban quản trị để họ có thể lựa chọn các đối tác, đơn vị vận hành đúng với tiêu chuẩn mà dự án đã cam kết với cư dân trước đó.
 
Theo cafeland.vn
Các tin liên quan
Các tin mới
  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland
Khu vực nội bộ

  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland